Giá dịch vụ thoát nước mưa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/2/2024 | 4:42:38 Chiều

Việt Nam chúng ta có thể xác định được chi phí quản lý hệ thống cống thoát nước mưa, nằm trong giá dịch vụ thoát nước nói chung.

Nước mưa và nước thải khác nhau về khối lượng, chất lượng, hàm lượng các chất gây ô nhiễm, tuy nhiên chúng đều cần được thu gom, vận chuyển, xử lý và xả ra nguồn tiếp nhận. Hệ thống cống là những hạng mục công trình có khoản tiền đầu tư lớn cùng với chi phí vận hành bảo dưỡng. Đối với nước mưa, mặc dù các chất gây ô nhiễm thường thấp hơn so với nước thải sinh hoạt, tuy nhiên lưu lượng nước mưa thường lớn hơn rất nhiều lần so với lưu lượng nước thải, vì vậy mà cống thoát nước mưa có kích thước lớn hơn nhiều so với cống nước thải sinh hoạt, tính cho cùng một lưu vực thoát nước. Chi phí đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống cống thoát nước mưa cũng lớn hơn nhiều so với hệ thống cống nước thải sinh hoạt.


Hà Nội thường lâm vào tình trạng ngập lụt sau những trận mưa lớn kéo dài mà một trong những nguyên nhân chính là do hệ thống thoát nước bị quá tải. Ảnh: ITN

Nguyên tắc chung quản lý thoát nước là "người gây ô nhiễm phải trả tiền” như đã đề cập trong các quy định Thoát nước hiện hành. Trong Thông tư Hướng dẫn số 13/2018/TT-BXD về giá dịch vụ thoát nước, xác định theo khối lượng nước thải và theo mức độ ô nhiễm, trong đó có nói đến việc phải tính chi phí cho cả thoát nước mưa. Hiện tại trong các dự án đầu tư, giá dịch vụ thoát nước đều đề xuất lộ trình tăng dần để bù đắp các chi phí, tuy nhiên mức phí vẫn áp dụng một mức chung cho toàn bộ khu vực dự án. Mặt khác, cũng chưa có quy định tính phí nước mưa phụ thuộc vào diện tích mái nhà, sân vườn, đường nội bộ… của từng chủ sở hữu tài sản, bởi vì diện tích mặt phủ không thấm nước có diện tích khác nhau, có liên quan đến khối lượng nước mưa tương ứng cần được thu gom. Nhìn chung vấn đề chi phí quản lý nước mưa, tuy có nói đến trong Thông tư 13/2018/TT-BXD, nhưng chưa có quy định cách tính chi tiết.

Rất nhiều quốc gia phát triển cũng dựa trên theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Mức phí quản lý thoát nước mưa tỷ lệ với diện tích không thấm nước hoặc thấm nước một phần, bao gồm mặt đường, mái nhà bê tông, tấm lợp, đường nội bộ, sân vườn, v.v… Nếu mặt phủ không thấm nước có diện tích càng lớn thì nước mưa chảy trên bề mặt sau đó chảy vào hệ thống mương cống cũng càng lớn và khi đó chi phí đầu tư cho cống thoát nước mưa và chi phí quản lý vận hành cũng tốn kém hơn. Dưới đây là cách tính phí nước mưa tại CHLB Đức, tại nhiều quốc gia châu Âu khác và tại Hoa Kỳ.

Tại CHLB Đức, từ năm 1985 chính quyền Liên bang đã phán quyết rằng phí nước thải và phí nước mưa phải được bóc tách riêng, nhằm mục đích thu phí thoát nước mưa đối với các diện tích không thấm nước của các công trình xây dựng. Theo thống kê năm 2020, thành phố Berlin có mức phí nước mưa cao nhất  là 1,81 Eur/ m2/năm, còn tại Hamburg 0,73 Eur/m2/năm.  

Nhiều thành phố khác ở Châu Âu có quy định phí nước mưa với mức giá khác nhau, phụ thuộc vào hệ thống thoát nước chung (nước mưa và nước thải sinh hoạt chảy chung vào cống) hay hệ thống thoát nước riêng biệt. Ngoài ra mức giá còn tùy theo tính chất của các tài sản nằm trên khu đất của các khách hàng sử dụng dịch vụ thoát nước. 

Tại Hoa Kỳ, phí nước mưa không tính theo diện tích cụ thể của từng hộ gia đình mà người ta quy đổi thành "đơn vị nhà ở tương đương” (Equivalent Residential Unit – sau đây viết tắt là ERU). Một số Tiểu bang quy ước 1 ERU có diện tích khoảng 270m2. ERU là một đơn vị mảnh đất có bao gồm các bề mặt không thấm nước như mái nhà, đường nhựa, lát gạch sân nền.... Phí nước mưa hàng hàng năm sẽ được thu theo số lượng ERU mà khách hàng / hộ gia đình đó sở hữu. 


Hình 1 - Tỷ lệ phân bổ khối lượng nước mưa trên mặt phủ và ví dụ về phí dịch vụ thoát nước mưa (tại Hoa Kỳ)

Theo nghiên cứu của FIRSWG (1998), nếu tính chung cho một khu đô thị bao gồm các chung cư, các tòa nhà… thì có khoảng 55% lượng nước mưa chảy trên bề mặt vào hệ thống cống và không bị thấm xuống đất. Còn đối với các nhà ở độc lập, nhà liền kề… thì nước mưa từ trên mái nhà, sân đường bê tông… chảy vào cống rãnh có thể lên tới 70% (không bao gồm 30% lượng nước mưa bốc hơi). Hiện tại, Tiêu chuẩn Thiết kế thoát nước của Việt Nam cũng áp dụng các hệ số thấm tương tự. Từ tỷ lệ lượng nước chảy trên bề mặt và tham khảo kinh nghiệm cách tính tại một số nước, Việt Nam chúng ta có thể xác định được chi phí quản lý hệ thống cống thoát nước mưa, nằm trong giá dịch vụ thoát nước nói chung.    

NGUYỄN TRỌNG DƯƠNG

Tài liệu tham khảo: 
- Stormwater fees. Wikipedia. 2022
- Rainwater fees for sustainable managemment https://programme2014-20.interreg-central.eu. 2021 



  •  
Các tin khác

Hợp tác chặt chẽ với các nước trong lưu vực sông Mê Kông, cơ cấu mùa vụ, trữ nước, chuyển nước từ nơi khác về, thay đổi quy trình hoạt động của thủy điện,...là ý kiến của các nhà khoa học đưa ra nhằm giải quyết căn cơ, bền vững tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL vào mùa khô đã trở thành đặc tính của vùng, năm nào cũng xảy ra. Để gỡ khó cho người dân vùng hạn mặn, các tỉnh, thành phố trong vùng đã thực hiện một số biện pháp như cơ cấu lại giống cây trồng, thay đổi thời gian sản xuất, ngăn mặn, trữ ngọt,… Tuy chỉ là giải pháp tình thế song bước đầu có tín hiệu tích cực.

Được xác định là vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của quốc gia, ĐBSCL được ưu tiên đầu tư, xây dựng các hệ thống thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, những tác động từ thượng nguồn, từ biển và sự phát triển nội tại ở ĐBSCL là những thách thức lớn, đòi hỏi một chiến lược và giải pháp đồng bộ nhằm phòng tránh tác hại của các loại hình thiên tai.

Được bồi tích từ vịnh biển nông và phù sa sông, Đồng bằng sông Cửu Long giống như vựa lúa và cây trái của cả nước, song những năm gần đây, vùng đất này luôn chịu cảnh hạn mặn khốc liệt về mùa khô trong khi mùa lũ cũng vơi dần.