Cát Bà “khát” nước sạch trong mùa du lịch
- Cập nhật: Thứ năm, 28/6/2018 | 8:48:30 Sáng
(Tapchicapthoatnuoc.vn) - Do thời tiết ít mưa, nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng tăng dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt, nước sạch trên đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng. Trong khi đó, tiến độ thi công các hồ chứa nước ngọt trên huyện đảo còn rất chậm. Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và các hoạt động phục vụ du lịch.
Nan giải bài toán nước sạch
Thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải có diện tích 3.351,9 ha, 3.237 hộ với 12.091 nhân khẩu. Trên địa bàn có 63 nhà hàng và 201 cơ sở lưu trú với 3.878 phòng và 2 chợ đầu mối.
Trong mùa du lịch, có khoảng 5.000 lao động từ các nơi khác tới địa bàn. Trong năm 2017, Cát Bà đón 2,1 triệu khách du lịch. Từ đầu năm 2018 đến nay, Cát Bà đón gần 950.000 lượt khách, tăng 60% so với cùng kỳ. Dự báo, trong mùa hè năm 2018, Cát Bà sẽ đón khoảng 2,6 triệu lượt khách. Nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, kinh doanh của người dân huyện đảo khoảng 5.500 – 6.000 m3/ngày. Trên thực tế, đơn vị cung cấp nước sạch chỉ cung cấp khoảng 3.000 m3/ngày (đáp ứng khoảng 50 - 60%). Việc thiếu nước ngọt tại đảo Cát Bà ảnh hưởng tới cuộc sống của nhân dân và du khách. Nhiều hộ dân, nhà hàng, nhà nghỉ trên đảo phải mua nước ngọt từ nơi khác với giá 150.000 đồng/m3. Vấn đề nước sạch đang là bài toán nan giải của huyện đảo Cát Hải trong mùa du lịch.
Trước tình hình trên, Công ty CP Cấp nước Hải Phòng tăng cường 4 tàu sông chở nước sạch ra đảo với công suất vận chuyển 1.200 m3/ngày. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, việc vận chuyển nước ngọt chỉ cung cấp hơn 1.000m3/ngày. Trong mùa mưa bão, lượng nước cung cấp cho đảo Cát Bà không đáng kể. Một số giải pháp tình thế được triển khai: Cắt nước luân phiên tại các khu dân cư; tuyên truyền vạn động người dân dùng nước mưa, tiết kiệm nước máy vì đơn vị cung ứng chỉ đáp ứng được 10-12h/ngày. Nếu tình trạng khô hạn kéo dài, nguồn nước thô phục vụ sản xuất nước sạch ở Cát Bà sẽ ngày càng khan hiếm. Tuy nhiên, việc vận tải nước sạch bằng tàu ra đảo phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Trong những ngày mưa bão, sóng to, gió lớn tàu chở nước sạch sẽ không thể vận hành và tiếp cận huyện đảo.
Theo Công ty CP Cấp nước Hải Phòng, do thời tiết ít mưa, nước từ đầu nguồn hạn chế nên nước sạch phục vụ cho đảo chỉ hơn 2000m3/ngày. Một trong những nguồn cấp nước chính của đảo Cát Bà là khu vực suối Gôi, hiện đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Các hồ chứa nước khác như: Trân Châu, Hải Sơn và một số giếng nước ngọt trong tình trạng tương tự. Trạm bơm Xuân Đám là trạm bơm chính cấp nước thô về nhà máy xử lí nước Cát Bà.
anh
Hồ chứa nước ngọt tại xã Trân Châu, huyện Cát Hải cạn nước
Trạm bơm này được Công ty CP Cấp nước Hải Phòng đầu tư hai máy bơm mới, lắp đặt đường ống và thiết bị hiện đại gần 20 tỉ đồng, nâng công suất hơn 6.000m3 nước/ngày. Tuy nhiên hiện nay, do nguồn nước hạn chế nên trạm bơm chỉ hoạt động từ 5 đến 6h/ngày, công suất hơn 1.000 m3. Công ty CP Cấp nước Hải Phòng kiến nghị các cấp, ban, ngành sớm hoàn thiện các hồ chứa thi công dang dở từ nhiều năm, mở dung tích các hồ chứa để đảm bảo việc cấp nước cho đảo Cát Bà về lâu dài. Ba hồ chứa nước ngọt gồm: Trân Châu, Xuân Đám, Phi Long đang thi công dở dang từ nhiều năm nay. Nếu các hồ này đi vào hoạt động sẽ dự trữ tối đa 350.000 m3 nước, đáp ứng được nhu cầu nước trong mùa khô trên đảo.
Cần hoàn thiện nhanh các hồ chứa nước ngọt
Trên thực tế, nguồn nước thô tại thị trấn Cát Bà chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước mưa tích trữ trong khe, suối, kênh chảy ra hồ. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm. Các hồ đều không có tích trữ do bờ kè, đáy hồ chưa thi công xong. Hiện nay, tất cả các nguồn cấp nước thô tại các xã Xuân Đám, Trân Châu, Hiền Hảo, Việt Hải đều cạn kiệt, mức độ khai thác để sản xuất nước sạch rất hạn chế. Nguyên nhân là do các hồ đều trong tình trạng thi công dở dang, kéo dài, không có khả năng tích trữ nước. Nhiều cử tri huyện Cát Hải đã nhiều lần kiến nghị tới các cơ quan chức năng nhưng tình hình không thay đổi.
Trước tình hình thiếu nước sinh hoạt tại đảo Cát Bà, UBND TP Hải Phòng giao Sở Xây dựng chủ trì cùng Sở NN&PTNT, UBND huyện Cát Hải kiểm tra, đề xuất, báo cáo trong tháng 6/2018. Theo Công ty CP Cấp nước Hải Phòng, hiện nay nhà máy nước Cái Giá lấy nguồn nước thô từ các hồ chứa nước ngọt trên đảo Cát Bà. Do thời tiết nắng nóng kéo dài dẫn đến tình trạng nguồn nước cạn kiệt, dung tích các hồ chứa hiện tại không đủ để trữ lượng nước ngọt và chỉ đạt 60% công suất xử lý của nhà máy.
Công ty CP Cấp nước Hải Phòng dùng sà lan đưa nước từ đất liền ra đảo, nghiên cứu đầu tư dây chuyền xử lý nước biển với công suất 1.500m3/ngày đêm và dây chuyền xử lý nước lợ với công suất 1.000m3/ ngày đêm. Dự kiến, hệ thống này sẽ được đưa vào vận hành, sử dụng trong năm 2018. Đồng thời, lập quy hoạch tổng thể cấp nước toàn bộ khu vực đảo để đảm bảo cung cấp nước phục vụ nhu cầu sử dụng nước.
Để đáp ứng lâu dài và ổn định tình hình cung cấp nước sinh hoạt cho đảo Cát Bà, Công ty CP Cấp nước đề nghị UBND TP Hải Phòng chỉ đạo Sở NN&PTNT sớm triển khai hoàn thiện các hồ chứa nước Xuân Đám, Trân Châu, Ao Cối… xây dựng thêm các hồ chứa nước ngọt; bố trí đất tại hồ thượng xã Xuân Đám để xây dựng nhà máy nước công suất 5.000-10.000m3/ ngày đêm; bố trí đất tại khu vực ngã ba đường Cái Bèo - Núi Xẻ để công ty xây dựng bể chứa dung tích 2.000m3.
Để đảm bảo cung cấp nước ngọt trên huyện đảo Cát Hải lâu dài, ngoài việc hoàn thiện các hồ chứa nước đang thi công cần đầu tư xây dựng hệ thống xử lí nước lợ và nước biển thành nước ngọt cũng là một giải pháp hiệu quả.
Theo Đăng Hùng/Báo TN&MT
Các tin khác
Ngày Nước Thế giới năm nay được LHQ phát động ̣với chủ đề “Nước cho hòa bình” tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Chiến dịch cho Ngày Nước Thế giới năm 2023 hiện đang hoạt động. Trọng tâm của chiến dịch này là thúc đẩy thay đổi để giải quyết cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh.
Tài nguyên nước mặt của Việt Nam đang được khai thác và sử dụng phục vụ những mục đích khác nhau, từ nông nghiệp, công nghiệp, thuỷ điện đến sinh hoạt.
Những con số thống kê về nước của Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nói lên vai trò chủ đạo của nước trong phát triển kinh tế - xã hội.