Khoái Châu (Hưng Yên): Xã hội hóa cấp nước sạch phục vụ đời sống dân sinh

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/7/2018 | 2:45:29 Chiều

​Thời gian vừa qua, một số hộ dân xã Đông Kết (Khoái Châu – Hưng Yên) có đơn kiến nghị phản ánh việc Nhà máy nước sạch Dạ Trạch thu tiền đấu nối đồng hồ đo nước sạch với giá 2,8 triệu đồng/hộ là trái pháp luật. Phóng viên Báo TN&MT đã làm việc với ông Lê Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hưng Yên, được biết: Việc đơn vị cấp nước huy động kinh phí đấu nối đồng hồ đo nước là được pháp luật cho phép để thực hiện xã hội hóa hoạt động cấp nước.

Công nhân nhà máy nước sạch Dạ Trạch đang vận hành sản xuất.

Ông Lê Trung Kiên cho rằng, một số người dân có ý kiến Nhà máy nước Dạ Trạch thu tiền đấu nối đồng hồ đo nước sạchchỉ là sự hiểu nhầm, mà nguyên nhân có thể do chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích thấu đáo đến từng hộ gia đình.

Đơn xin đấu nối, sử dụng nước sạch của người dân


Trong Thông báo số 211/UBND – KT1, ngày 24/5/2018 của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang, kết luận tại cuộc họp về đấu nối đồng hồ cấp nước, phương án giá nước, chuyển nhượng các công trình cấp nước và hỗ trợ hộ nghèo đấu nối, sử dụng nước sạch, nêu rõ: "Việc đầu tư kinh phí đấu nối nước sạch là trách nhiệm của các đơn vị cấp nước, đến điểm giáp ranh hộ sử dụng nước (bao gồm cả cụm đồng hồ đo nước và thiết bị phụ trợ). Đơn vị cấp nước được thỏa thuận với các hộ dân để huy động kinh phí đấu nối đồng hồ nước sạch, nhưng phải được sự đồng thuận của các hộ dân, mức huy động công khai và theo định mức quy định của UBND tỉnh.

Thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Quang tại cuộc họp về đấu nối đồng hồ cấp nước, phương án giá nước, ngày 24/5/2018


Theo ông Lê Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hưng Yên: Trên địa bàn tỉnh hiện có 13 doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng công trình cấp nước, được phân vùng cấp nước cho 85 xã vùng nông thôn. Việc đơn vị cấp nước huy động kinh phí đấu nối đồng hồ đo nước là được pháp luật cho phép để thực hiện xã hội hóa hoạt động cấp nước. Các dự án nước sạch được người dân đồng thuận, nhất trí cao khi nộp phí lắp đặt đồng hồ đo nước và các chi phí khác theo quy định. Người dân cũng rất phấn khởi vì được sử dụng nguồn nước sạch đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện các nhà máy cấp nước tập trung trên địa bàn đều cam kết thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho người dân sớm tiếp cận với nguồn nước sạch, bảo đảm hài hòa về lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, phù hợp với chủ trương và tiếp tục áp dụng các cơ chế đầu tư đã thực hiện.

Nhà máy nước sạch Dạ Trạch (xã Đông Kết, Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên)


Hiện nay, nguồn vốn ngân sách Nhà nước còn khó khăn và chưa đầu tư được cho các dự án cấp nước sạch vùng nông thôn. Trong khi đó, lợi dụng sự hiểu biết còn hạn chế của người dân, một số đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội tuyên truyền, kích động người dân không trả tiền nước, làm chậm quá trình đấu nối đồng hồ nước của các dự án. Do đó rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề này. Trung tâm cũng đã đề nghị UBND các xã có dự án tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Qua đó giúp người dân hiểu và tích cực đóng góp kinh phí đấu nối sử dụng nước sạch, góp phần đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo để 80% người dân Hưng Yên được sử dụng nước sạch vào cuối năm 2018.

Như vậy, việc huy động vốn trong nhân dân để đấu nối đồng hồ đo nước của các doanh nghiệp cấp nước nói chung và của Công ty Huy Phát nói riêng để xã hội hóa việc cung cấp nước sạch là đúng với quy định của Nhà nước và chủ trương của UBND tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, việc "góp vốn” này của người dân cũng rất cần có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của ngành chức năng để tính toán minh bạch chi phí hình thành lên giá nước. Điều đó sẽ giúp giảm chi phí cho các hộ gia đình sau này khi sử dụng nguồn nước sạch và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa  doanh nghiệp và người dân.   

Theo Báo TN&MT

  •  
Các tin khác

Ngày Nước Thế giới năm nay được LHQ phát động ̣với chủ đề “Nước cho hòa bình” tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.

Chiến dịch cho Ngày Nước Thế giới năm 2023 hiện đang hoạt động. Trọng tâm của chiến dịch này là thúc đẩy thay đổi để giải quyết cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh.

Hiện trạng khai thác và sử dụng nước mặt tại Việt Nam

Tài nguyên nước mặt của Việt Nam đang được khai thác và sử dụng phục vụ những mục đích khác nhau, từ nông nghiệp, công nghiệp, thuỷ điện đến sinh hoạt.

Những con số thống kê về nước của Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nói lên vai trò chủ đạo của nước trong phát triển kinh tế - xã hội.