Hậu Giang: Triển khai các giải pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước
- Cập nhật: Thứ năm, 5/7/2018 | 2:48:58 Chiều
Theo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang, qua công tác quan trắc nguồn nước mặt từ đầu năm 2018 đến nay ở một số kênh, rạch cho thấy, chất lượng nguồn nước mặt đang có dấu hiệu bị ô nhiễm nặng tại các điểm thường xuyên tiếp nhận nguồn xả thải từ các khu đô thị, chợ, nhà máy, xí nghiệp.
Nguồn nước mặt kênh Xáng Xà No đang bị ô nhiễm từ các nguồn xả thải của các khu đô thị, xí nghiệp
Ông Lý Quốc Sử, Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN&MT Hậu Giang cho rằng, chất lượng nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp, nhiều nơi bị ô nhiễm nặng như các đoạn đi ngang quốc lộ, khu dân cư, khu công nghiệp (KCN). Để bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt phục vụ sản xuất, sinh hoạt tại các tuyến kênh, rạch trọng yếu; giải pháp đưa ra trong thời gian tới là tập trung xử lý triệt để, di dời những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư. Đồng thời, yêu cầu tất cả các KCN, cụm công nghiệp (CCN) xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống xử lý nước thải tập trung, giám sát hoạt động xả thải theo quy định, đặc biệt là các nguồn thải lớn.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trong công tác bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt là cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Hậu Giang chưa thực hiện đúng theo quy định. Đến nay, trong tổng số 8 KCN, CCN-TTCN đã đi vào hoạt động thì mới chỉ có 1 KCN Tân Phú Thạnh (Châu Thành A) là đã đưa trạm xử lý nước thải tập trung vào hoạt động; KCN Sông Hậu (huyện Châu Thành) và CCN-TTCN Vị Thanh vẫn đang trong giai đoạn hoàn thành hệ thống xử lý nước thải. 5 CCN-TTCN còn lại ở TX.Ngã Bảy, huyện Châu Thành,... vẫn chưa có nguồn vốn để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Ông Đào Trọng Ngữ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở TN&MT Hậu Giang cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn trong thu hút các nguồn lực đầu tư, song các cơ quan chức năng luôn thực hiện có hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường. Công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường được Ngành TN&MT tỉnh Hậu Giang thực hiện chủ động và mở rộng cả về phạm vi, quy mô, không để phát sinh các "điểm nóng” về ô nhiễm môi trường.
Đến nay, Hậu Giang chỉ mới có 1/8 KCN, CCN đang hoạt động được lắp đặt hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh
Nhằm phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục và cải thiện tình trạng ô nhiễm, Sở TN&MT Hậu Giang chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành điều tra, đánh giá, thống kê các nguồn thải. Đồng thời, tiếp tục điều tra, đánh giá, thống kê các nguồn thải và đánh giá tình hình thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt đối với các cơ sở, dự án.
Hiện nay, tỉnh Hậu Giang đang thực hiện dự án xây dựng hệ thống quan trắc tự động liên tục và cơ sở vật chất phòng thí nghiệm hạ tầng kỹ thuật tiếp nhận dữ liệu tại các cơ sở, chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp. Theo đó, sẽ tiến hành lắp 3 trạm quan trắc nước mặt và 1 trạm quan trắc không khí, đến nay dự án đã đạt được khoảng 80% về công tác lắp đặt thiết bị. Sau khi dự án được hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, theo dõi chặt chẽ chất lượng nguồn nước thải, khí thải tại các trạm quan trắc tự động ở khu vực các cơ sở, KCN đang hoạt động.
Liên quan đến việc triển khai thực hiện theo quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT, ngày 14/10/2016 của Bộ TN&MT về việc lặp đặt trạm quan trắc tự động khí thải, nước thải; ông Lý Quốc Sử cho hay: "Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 8 nhà máy, công ty và 9 KCN, CCN-TTCN thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động về khí thải, nước thải. Đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động nước thải tại 3 doanh nghiệp có nguồn thải lớn là KCN Tân Phú Thạnh, Nhà máy giấy Lee&Man và Công ty TNHH MTV Masan. Đây là cơ sở để các cơ quan chức năng quản lý được chất lượng nước thải, khí khải đầu ra của các doanh nghiệp”.
Theo Báo Tài nguyên và Môi trường
Các tin khác
Ngày Nước Thế giới năm nay được LHQ phát động ̣với chủ đề “Nước cho hòa bình” tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Chiến dịch cho Ngày Nước Thế giới năm 2023 hiện đang hoạt động. Trọng tâm của chiến dịch này là thúc đẩy thay đổi để giải quyết cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh.
Tài nguyên nước mặt của Việt Nam đang được khai thác và sử dụng phục vụ những mục đích khác nhau, từ nông nghiệp, công nghiệp, thuỷ điện đến sinh hoạt.
Những con số thống kê về nước của Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nói lên vai trò chủ đạo của nước trong phát triển kinh tế - xã hội.