Biến vỏ hộp sữa thành sản phẩm hữu ích

  • Cập nhật: Thứ năm, 16/9/2021 | 5:13:34 Chiều

Với mong muốn thay đổi thói quen phân loại, xử lý rác thải tại nhà ở, trường học, quán cà phê..., một mô hình tái chế rác thành các sản phẩm sinh hoạt hữu ích đã được thành lập tại Hà Nội. Nhiều vỏ hộp, túi đựng sữa sau khi được tái chế đã trở thành những sản phẩm hữu ích.

Từ năm 2018 đến nay, hơn 200 tấn vỏ hộp, túi đựng sữa đã qua sử dụng được Công ty TNHH Phát triển xã hội Dấu chân xanh phân loại, thu gom, tái chế thành các sản phẩm thủ công với đủ mọi hình dáng, như: Lót cốc, đĩa, chậu trồng cây, thùng rác, gạch lát tường, gạch ốp tường... đủ màu sắc. Sản phẩm được tái chế có độ cứng, đàn hồi cao, không thấm nước, chịu lực, chịu nhiệt tốt và giá bán hợp lý.


Các sản phẩm chậu cây đủ kích cỡ sau khi hoàn thiện.

Anh Thái Khắc Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển xã hội Dấu chân xanh cho biết: "Mỗi ngày, trong các hộ gia đình, trường học, quán cà phê đều thải bỏ một số lượng rác nhất định; trong đó có những loại rác không phân hủy được như: Túi nilon, đồ nhựa... Nhận thấy số lượng rác thải lớn sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường nếu thải trực tiếp mà không được phân loại, tôi đã cùng vài người thân, bạn bè bắt tay vào việc thu gom vỏ hộp, túi đựng sữa và tái chế thành những sản phẩm thân thiện với môi trường”.

Để có được những sản phẩm hoàn chỉnh, vỏ hộp sữa qua sử dụng sau khi được thu gom về xưởng sẽ trải qua 5 công đoạn sản xuất. Đầu tiên vỏ hộp được cắt thành những mảnh vụn đường kính 2-5mm, làm sạch bằng nước nóng 200 độ C để loại bỏ vi khuẩn, sau đó đem đi sấy khô. Các mảnh vụn tiếp đó được đưa vào khuôn ép tạo hình, sử dụng máy ép nhiệt. Bước cuối cùng là sơn màu và hoàn thiện. Theo anh Tiến, nếu có đủ máy móc và nguyên liệu, xưởng có thể tái chế từ 5 đến 7 tấn vỏ hộp sữa/ngày, sản xuất ra từ 500 đến 2.000 sản phẩm tùy theo hình dáng và kích thước. Quá trình tái chế không sử dụng bất kỳ chất phụ gia nào.

Được biết, 50% lợi nhuận từ mỗi sản phẩm được Công ty TNHH Phát triển xã hội Dấu chân xanh sử dụng cho các công tác xã hội, trồng rừng, đào tạo nghề giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các trẻ em nghèo được đến trường. Công ty cũng tạo công ăn việc làm cho hàng chục người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

"Tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc phân loại và thu gom rác thải được chính quyền, người dân và các tổ chức bảo vệ môi trường thực hiện rất tốt. Nhưng tại Việt Nam, quy trình phân loại, thu gom, tái chế rác vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, tôi mong rằng, những hành động nhỏ của mình sẽ góp phần lan tỏa, giúp nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc phân loại và tái chế rác, giữ gìn màu xanh cho các thế hệ sau này”, anh Tiến chia sẻ.

Bài và ảnh: Quang Huy
qdndvn.vn

  •  
Các tin khác

Sau gần 4 năm triển khai mô hình thu gom vỏ hộp sữa tại các trường học trên địa bàn huyện Tiên Du, chương trình đã thu gom được trên 56 tấn vỏ hộp giấy, tương đương với 5,6 triệu vỏ hộp sữa.

Ngày 25/4, đoàn viên thanh niên của Công ty Cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) đã cùng nhau trồng hơn 1.000 cây đước trên vùng rừng ngập mặn ven biển huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Việt Nam cùng với gần 180 quốc gia đã bước vào Phiên thứ tư Hội nghị đàm phán liên chính phủ về xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (INC-4) tại Ottawa, Canada. Đây là phiên đàm phán có số lượng đại biểu đăng ký tham dự đông nhất từ trước đến nay với gần 4.200 đại biểu của các quốc gia thành viên, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp.

Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.