Quảng Ninh: Quy hoạch xử lý rác thải, nước thải tích hợp vào quy hoạch tỉnh

  • Cập nhật: Thứ bảy, 15/1/2022 | 11:25:34 Sáng

Sáng 12/1, ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo quy hoạch xử lý rác thải, nước thải tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030.


Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe báo cáo tổng thể về kế hoạch quản lý, thực hiện công tác bảo vệ môi trường đối với việc thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong năm 2022.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Quảng Ninh, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) toàn tỉnh trong một ngày khoảng 1.247 tấn và cả năm là khoảng 455.300 tấn. Khối lượng CTRSH khu vực đô thị chiếm đến 79,2%, khu vực nông thôn chiếm 20,8%. Hiện toàn tỉnh Quảng Ninh có 3/5 khu xử lý rác thải cấp vùng đi vào hoạt động bằng phương pháp đốt. Hiện 100% lượng CTRSH trên địa bàn tỉnh được thu gom và xử lý kết hợp.
Chất thải rắn công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 361 tấn/ ngày, do các cơ sở công nghiệp tự chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển, phân loại hoặc thuê khoán cơ sở tư nhân dưới sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về chất thải rắn. Việc thu gom, phân loại, vận chuyển do đơn vị chuyên trách đảm nhiệm.
Chất thải xây dựng toàn tỉnh hiện chưa có khu tái chế, xử lý. Đối với chất thải nguy hại, toàn tỉnh có 8.962 tấn/năm và toàn tỉnh có 1 đơn vị thuộc ngành Than được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép xử lý. Chất thải rắn y tế phát sinh khoảng 2.555 tấn/năm. Mặc dù trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hầu hết các bệnh viện được trang bị lò đốt chất thải y tế tại chỗ, tuy nhiên do các lò đốt không ổn định sau khi sửa chữa nên phần lớn các đơn vị đang ký hợp đồng thuê các cơ sở bên ngoài vận chuyển, xử lý.
Trên cơ sở định hướng quy hoạch tỉnh, kết quả rà soát của các địa phương, Sở Xây dựng Quảng Ninh đề xuất phương án xử lý rác thải tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo hướng duy trì và giữ nguyên vị trí các công trình theo quy hoạch đã được duyệt. Tiếp tục rà soát, đánh giá để nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy mô, tính chất, dây chuyền công nghệ, các loại hình xử lý chất thải cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Ưu tiên công nghệ tiên tiến, giảm tỷ lệ xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp, tăng tỷ lệ xử lý bằng phương pháp đốt. Mỗi địa phương bố trí tối thiểu 1 cơ sở xử lý CTRSH để chủ động trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và thu hút đầu tư.
Đối với hệ thống thu gom, xử lý nước thải, Sở Xây dựng Quảng Ninh đề nghị định hướng trong các đồ án Quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết của các dự phát triển đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thành nhấn mạnh quan điểm nâng chất mức sống của nhân dân cũng phải tương xứng với chất lượng môi trường. Do đó, quy hoạch xử lý rác thải, nước thải tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các sở, ngành liên quan phải khẩn trương rà soát quy hoạch, trong đó Sở Xây dựng chủ trì điều chỉnh, bổ sung, thiết kế hạ tầng, không gian xử lý rác thải, thu gom nước thải theo không gian vùng và phải nêu định hướng, quy mô dự kiến. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu, bố trí quy hoạch xử dụng đất cho các khu xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nguy hại.
Đối với tuyến đảo, đảo nào có dân cư sinh sống phải có khu xử lý rác thải, đồng bộ với quy hoạch sử dụng các loại đất. Đối với các khu đô thị mới, Sở Xây dựng sớm tham mưu cho tỉnh nội dung với quy mô dân số bao nhiêu người phải bố trí trạm xử lý nước thải sinh hoạt và có đấu nối điểm cấp nước vào, cấp nước ra… Quan tâm quy hoạch quỹ đất; cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Sở Y tế phối hợp với các địa phương rà soát lại việc xử lý nước thải y tế, đánh giá quy mô, công nghệ; tham mưu cho tỉnh bố trí nguồn lực cho từng giai đoạn; xây dựng mô hình xử lý rác thải y tế bền vững.
Đối với việc thu gom nước thải sinh hoạt, yêu cầu các địa phương đưa tiến độ xây dựng các trạm xử lý nước thải tại khu đô thị, cụm công nghiệp, khu công nghiệp vào kế hoạch để kiểm soát việc thực thi của các chủ đầu tư.


Nguồn Chuyên trang Quản lý Môi trường
  •  
Các tin khác

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, quy định việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt từ nguồn cùng phương pháp thu phí xử lý rác thải mới dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo nên cơ chế để rác trở thành một nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời giảm áp lực lên quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay.

Phân loại rác tại nguồn vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc phân loại rác tại nguồn chưa đạt mục đích đề ra như phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải phân loại.

Trong thời gian qua các tỉnh, thành phố đã có nhiều mô hình, chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả thiết thực: giảm lượng rác thải chôn lấp; tăng lượng rác thải tái chế; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đây là hướng đi tất yếu trong nền kinh tế tuần hoàn. Tuy vậy, nhìn từ góc độ vĩ mô việc phân loại rác tại nguồn còn nhỏ lẻ manh mún, mỗi địa phương một cách, thiếu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn thành phố.