Thả cá, đừng thả túi nilon

  • Cập nhật: Thứ bảy, 14/1/2023 | 9:01:32 Sáng

Đó là thông điệp của Hội tình nguyện viên Đường Táo Quân, trong buổi tuyên truyền bảo vệ môi trường và hỗ trợ người dân thả cá tiễn ông Công, ông Táo tại khu vực cầu Long Biên

Tình nguyện viên Vũ Đức Hiếu (sinh năm 2003), sinh viên tại Hà Nội cho biết: Hội Đường Táo Quân đã thành lập được 10 năm, mỗi lần tổ chức sự kiện "Đường Táo Quân” có khoảng 100 thành viên tham gia đến từ các trường cấp 3 và đại học trên địa bàn Hà Nội. Trong những năm đầu tiên hoạt động, hội gặp nhiều sự phản đối từ người dân do thiếu niềm tin vào người trẻ. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, hội tình nguyện viên đã dần đạt được sự tín nhiệm của người dân để tham gia giúp người dân thả cá và xử lý rác đúng chỗ”.
tm-img-alt
Hội Đường Táo Quân, có mặt tại cầu Long Biên để truyền tải thông điệp "Thả cá, đừng thả túi nilon"

Đến nay, nhờ sự kiên trì, nhiệt tình của hội, nên ý thức bảo vệ môi trường của người dân đang được nâng cao lên rất nhiều. Khi người dân đến phóng sinh cá tại cầu Long Biên, các tình nguyện viên sẽ nhận túi nilon đựng cá của người dân, sau đó cho cá vào xô, xong đưa xô đựng cá xuống sát mép sông rồi từ từ thả cá xuống nước. Các túi nilon sẽ được tình nguyện viên gom lại cho vào bao tải, cuối ngày sẽ gom các bao tải đưa về nơi quy định.

tm-img-alt
Hình ảnh người dân đến phóng sinh, chuyển túi nilon đựng cá cho tình nguyện viên thả cá xuống sông

Anh Nguyễn Tiến Quân, ở tổ 4, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, đồng phối hợp với các tình nguyện viên thả cá xuống sông, cho biết: "Hành động đầy ý nghĩa của các em học sinh, sinh viên, là một việc làm thiết thực, tích cực, để giữ gìn môi trường trong sạch cho Thủ đô. Với cá nhân tôi, từ khi biết chương trình của các em, đã hết sức ủng hộ và tuyên truyền tới những người dân xung quanh, cùng hưởng ứng hoạt động của hội Đường Táo Quân. Hành động tuy nhỏ nhưng góp phần bảo vệ môi trường, tạo thói quen đẹp, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

tm-img-alt
Các tấm áp phích truyền tải thông điệp tới người dân
tm-img-alt
Hành động tuy nhỏ, nhưng mang ý nghĩa lớn

Trong những ngày này, đang có rất nhiều nhóm tình nguyện viên ở nhiều địa điểm sông, hồ để tổ chức bảo vệ môi trường, hỗ trợ người dân thả cá như cầu Long Biên, cầu Chương Dương, hồ Tây, hồ Trúc Bạch… Đây đều là những địa điểm thường thấy người dân Thủ đô tới phóng sinh cá mỗi dịp Tết đến, Xuân về.


Thái Phương



Nguồn Báo QĐND

 
  •  
Các tin khác

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, quy định việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt từ nguồn cùng phương pháp thu phí xử lý rác thải mới dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo nên cơ chế để rác trở thành một nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời giảm áp lực lên quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay.

Phân loại rác tại nguồn vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc phân loại rác tại nguồn chưa đạt mục đích đề ra như phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải phân loại.

Trong thời gian qua các tỉnh, thành phố đã có nhiều mô hình, chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả thiết thực: giảm lượng rác thải chôn lấp; tăng lượng rác thải tái chế; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đây là hướng đi tất yếu trong nền kinh tế tuần hoàn. Tuy vậy, nhìn từ góc độ vĩ mô việc phân loại rác tại nguồn còn nhỏ lẻ manh mún, mỗi địa phương một cách, thiếu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn thành phố.