Đấu thầu vệ sinh môi trường tại huyện Ngọc Hiển (Cà Mau): Nhiều tiêu chí làm khó nhà thầu

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/2/2024 | 11:52:31 Sáng

Công ty TNHH Saving 105 đang được Chủ đầu tư - Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau giao làm Bên mời thầu tại Gói thầu số 03 Thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt tập trung đến năm 2025 trên địa bàn huyện Ngọc Hiển.

Ngay sau khi phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), Gói thầu ghi nhận một số phản ánh về các tiêu chí đánh giá năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật không phù hợp.


Phản ánh đến Chủ đầu tư, Bên mời thầu và Báo Đấu thầu, một nhà thầu cho rằng, HSMT có nhiều nội dung chưa phù hợp, làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu có giá 16,585 tỷ đồng, phát hành HSMT từ ngày 17/2 - 6/3/2024.

Ngày 20/2/2024, phản ánh đến Chủ đầu tư, Bên mời thầu và Báo Đấu thầu, một nhà thầu cho rằng, HSMT có nhiều nội dung chưa phù hợp, làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Cụ thể, HSMT quy định 5 vị trí nhân sự chủ chốt bao gồm: cán bộ quản lý chung; cán bộ kỹ thuật quản lý thu gom vận chuyển; cán bộ kỹ thuật quản lý vận hành bãi chôn lấp và xử lý chất thải; cán bộ quản lý, thanh quyết toán, thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; cán bộ phụ trách an toàn, vệ sinh lao động. Các vị trí này đều phải có trình độ đại học trở lên; có chứng nhận huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh môi trường; có chứng nhận vận hành và bảo dưỡng hệ thống quản lý chất thải rắn; có chứng nhận tập huấn phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; đã từng tham gia thực hiện tối thiểu 2 hợp đồng có tính chất tương tự gói thầu đang xét (thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt); từng nhân sự phải có bản cam kết sẵn sàng có mặt để phỏng vấn nhân sự trong quá trình làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc thương thảo hợp đồng nhằm chứng minh khả năng huy động nhân sự của đơn vị dự thầu. Riêng vị trí cán bộ quản lý chung, HSMT yêu cầu có chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ chỉ huy trưởng công trình.

Nhà thầu cho rằng, các hạng mục công việc mời thầu đều không có yếu tố đặc thù, phức tạp, chỉ cần nhà thầu có kinh nghiệm, quy trình, hệ thống quản lý chất lượng tốt là có thể đáp ứng. Do đó, việc HSMT yêu cầu các vị trí nhân sự chủ chốt cùng lúc phải đáp ứng nhiều loại chứng chỉ/chứng nhận, trong đó có những chứng chỉ không liên quan đến vị trí mà nhân sự đảm nhận (chứng nhận huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh môi trường đối với cán bộ thanh quyết toán) hoặc chứng chỉ không được pháp luật chuyên ngành quy định (chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chỉ huy trưởng công trình đối với cán bộ quản lý) là hành vi hạn chế cạnh tranh.

"Gói thầu được đấu thầu qua mạng, mọi công tác lựa chọn nhà thầu đều được thực hiện trên môi trường mạng, song HSMT lại yêu cầu các nhân sự phải cam kết trình diện trước Chủ đầu tư/Bên mời thầu trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu (nếu được yêu cầu), là vi phạm nguyên tắc lựa chọn nhà thầu qua mạng, ảnh hưởng đến tính minh bạch, cạnh tranh tại cuộc thầu”, Nhà thầu phân tích.

Cũng theo Nhà thầu, việc HSMT yêu cầu 34 công nhân (30 công nhân kỹ thuật và 4 công nhân điều kiển xe máy, thiết bị) phải kê khai bằng cấp, cam kết, hợp đồng lao động… là gây hạn chế cạnh tranh.

Ngoài ra, HSMT yêu cầu về thiết bị cao hơn rất nhiều so với định mức chuyên ngành cũng như yêu cầu thực tế. Đơn cử, HSMT yêu cầu máy ủi công suất ≥ 110 CV (số lượng: 2 xe), máy đào dung tích gàu ≥ 0,8 m3 (số lượng: 2 xe). Trong khi đó, theo Quyết định số 592/QĐ-BXD ngày 30/5/2014 về việc công bố định mức dự toán thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị, đối với công tác vận hành bãi chôn lấp và xử lý chất thải sinh hoạt công suất bãi ≤ 500 tấn/ngày yêu cầu máy ủi là 0,0025 ca/tấn; máy đào là 0,001 ca/tấn. Theo tính toán, thực tế chỉ cần huy động 1 xe ủi là có thể vận hành ổn định (máy đào không cần huy động liên tục mà để cho nhà thầu chủ động điều động theo nhu cầu phát sinh).

Cá biệt, tại tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, HSMT yêu cầu nhà thầu phải khảo sát hiện trường (có hình ảnh và ghi chú hình ảnh từng tuyến đường thu gom, vận chuyển và khu xử lý). Yêu cầu này được nhà thầu cho rằng, mang nặng tính hình thức, hạn chế sự tham gia các nhà thầu ở địa phương khác.

Ngày 21/2/2024, thông tin với phóng viên, đại diện Công ty TNHH Saving 105 cho biết, Bên mời thầu đang tiến hành kiểm tra, rà soát và sẽ có văn bản báo cáo, tham mưu Chủ đầu tư tiếp thu điều chỉnh HSMT nếu nhận thấy các nội dung phản ánh là có cơ sở.

Theo chuyên gia đấu thầu, Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT đã chỉ rõ các hành vi hạn chế cạnh tranh, trong đó có các hành vi như: yêu cầu khảo sát hiện trường hoặc yêu cầu chứng minh việc đã khảo sát hiện trường; yêu cầu các dạng chứng chỉ/chứng nhận mà pháp luật chuyên ngành không có quy định; hoặc quy định các tiêu chuẩn nhân sự, thiết bị, kỹ thuật cao hơn yêu cầu của gói thầu... Việc bên mời thầu thêm vào HSMT các tiêu chí vi phạm quy định như trên sẽ ảnh hưởng đến tính minh bạch, cạnh tranh tại cuộc thầu.

Theo Báo Đấu thầu
  •  
Các tin khác

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, quy định việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt từ nguồn cùng phương pháp thu phí xử lý rác thải mới dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo nên cơ chế để rác trở thành một nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời giảm áp lực lên quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay.

Phân loại rác tại nguồn vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc phân loại rác tại nguồn chưa đạt mục đích đề ra như phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải phân loại.

Trong thời gian qua các tỉnh, thành phố đã có nhiều mô hình, chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả thiết thực: giảm lượng rác thải chôn lấp; tăng lượng rác thải tái chế; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đây là hướng đi tất yếu trong nền kinh tế tuần hoàn. Tuy vậy, nhìn từ góc độ vĩ mô việc phân loại rác tại nguồn còn nhỏ lẻ manh mún, mỗi địa phương một cách, thiếu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn thành phố.