Hà Nội: Ngăn chặn tình trạng đốt rác tự phát

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/2/2024 | 11:52:32 Sáng

Trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tình trạng người dân tự ý đốt rác thải diễn ra tràn lan ở các điểm tập kết rác, bãi đất trống, vỉa hè…

Cụ thể, ngày 19-2 (tức mùng 10 tháng Giêng), tại điểm tập kết rác thải ven quốc lộ 6 thuộc xã Đông Sơn (huyện Chương Mỹ), lửa bốc cháy ngùn ngụt, khói đen bao trùm cả đoạn đường khiến nhiều phương tiện lưu thông phải bật đèn, bấm còi cảnh báo.

Trước đó, chiều 11-2 (mùng 2 tháng Giêng), điểm tập kết rác thải tại xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) tồn đọng khoảng 1.000 tấn rác cũng bốc cháy, khói âm ỉ khiến sinh hoạt của hàng trăm hộ gia đình gần đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để hạn chế tàn tro và khói đen quẩn vào khu dân cư, người dân đã phải dùng máy bơm nước dập lửa, rắc vôi bột, men vi sinh khử khuẩn và phân công người canh gác.


Ảnh minh hoạ

Không chỉ đốt rác thải ở điểm tập kết, trên dọc tuyến đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), hai bên đường gom Đại lộ Thăng Long (từ quận Nam Từ Liêm đến huyện Thạch Thất), đường 23B (địa phận xã Đại Mạch, huyện Đông Anh) và một số tuyến đường ở thị trấn Quốc Oai...; nhiều người dân, thậm chí cả công nhân môi trường sau khi quét dọn, thu gom lá cây, củi khô... đốt ngay trên vỉa hè, lề đường, gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.

Phân tích nguyên nhân tình trạng đốt rác thời gian qua, Phó Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai (đơn vị duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện Quốc Oai) Vũ Công Minh cho biết, những điểm tập kết rác xa khu dân cư, thuận lợi giao thông thường bị một số đối tượng chở rác thải công nghiệp (vải vụn, gỗ ép…) đến đổ trộm rồi đốt để tiêu hủy chứng cứ.

Còn Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển rau sạch Sông Hồng (doanh nghiệp phụ trách vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện Mê Linh) Lê Ngọc Dần cho hay, công ty nhiều lần bắt quả tang một số hộ kinh doanh phế liệu ở xã Tự Lập và xã Đại Thịnh đốt rác thải. Công ty đã gửi hình ảnh, thông tin người vi phạm về địa phương để tuyên truyền, giáo dục và xử lý...

Trên đây là một số ví dụ điển hình về tình trạng đốt rác thải gây ô nhiễm môi trường diễn ra trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thực tế, ở nhiều nơi, không khó để bắt gặp người dân, thậm chí cả công nhân môi trường đốt rác thải tràn lan. Trong khi đó, công tác kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm của lực lượng chức năng gặp khó khăn do thiếu nhân lực, không có công cụ giám sát...

Để xử lý nạn đốt chất thải bừa bãi, hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tham mưu với UBND thành phố Hà Nội ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Đặc biệt, UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND (ngày 18-9-2020) về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thành phố.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, đơn vị đã yêu cầu Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai tăng tần suất vận chuyển rác tại các điểm tập kết để hạn chế rác lưu cữu. Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện đang đề xuất UBND huyện hỗ trợ kinh phí cho các xã, thị trấn xây dựng lại những điểm tập kết rác có đầy đủ mái che, tường rào bảo vệ, hệ thống gom nước rác… nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường và chống đốt rác. Riêng tại điểm tập kết rác thải thôn Sài Khê (xã Sài Sơn), ngày 18-2 vừa qua, UBND huyện chỉ đạo UBND xã Sài Sơn dựng barie, lắp camera để kiểm soát hoạt động thu gom, vận chuyển rác, đốt rác phục vụ công tác phát hiện, xử lý vi phạm.

Còn lãnh đạo quận Hà Đông, các huyện Mê Linh, Chương Mỹ cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường lực lượng tuần tra, giám sát ở những "điểm đen” đốt rác thải; đồng thời, thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân để kịp thời ngăn chặn, xử lý đối tượng vi phạm.

Để chấm dứt hành vi đốt rác của một số công nhân môi trường, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Nguyễn Văn Quý cho biết, đơn vị đã yêu cầu các doanh nghiệp duy trì vệ sinh môi trường thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ, ý thức bảo vệ môi trường cho người lao động. Trường hợp kiểm tra, phát hiện người lao động vi phạm, các doanh nghiệp phải có hình thức xử phạt nghiêm như hạ thi đua hằng tháng, trừ điểm chuyên cần; trường hợp vi phạm kỷ luật nhiều lần có thể thanh lý hợp đồng. Các quận, huyện, thị xã cần chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi đổ trộm, đốt chất thải sinh hoạt... để xử lý theo quy định.

NGỌC ANH (T/h)

  •  
Các tin khác

Sau gần 4 năm triển khai mô hình thu gom vỏ hộp sữa tại các trường học trên địa bàn huyện Tiên Du, chương trình đã thu gom được trên 56 tấn vỏ hộp giấy, tương đương với 5,6 triệu vỏ hộp sữa.

Ngày 25/4, đoàn viên thanh niên của Công ty Cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) đã cùng nhau trồng hơn 1.000 cây đước trên vùng rừng ngập mặn ven biển huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Việt Nam cùng với gần 180 quốc gia đã bước vào Phiên thứ tư Hội nghị đàm phán liên chính phủ về xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (INC-4) tại Ottawa, Canada. Đây là phiên đàm phán có số lượng đại biểu đăng ký tham dự đông nhất từ trước đến nay với gần 4.200 đại biểu của các quốc gia thành viên, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp.

Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.