Trách nhiệm và hành động của Thanh niên trong giảm thiểu rác thải nhựa đại dương

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/3/2024 | 2:03:04 Chiều

Ngày 28/2/2024, tại Hà Nội, Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức Diễn đàn với chủ đề "Giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) đại dương: Trách nhiệm và hành động của Thanh niên".

Diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề rác thải nhựa đại dương và xác định vai trò quan trọng của thanh niên trong việc giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa một lần, thúc đẩy hành vi tái sử dụng và phân loại rác tại nguồn.
Phát biểu khai mạc tại diễn, ông Đặng Quốc Khánh, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ TN&MT nhấn mạnh về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, một vấn đề đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe con người. Ông cũng đánh giá cao vai trò quan trọng của các cấp, các ngành và các tổ chức trong việc giải quyết vấn đề này. Thêm vào đó, ông Đặng Quốc Khánh cũng kêu gọi sự hợp tác từ cộng đồng doanh nghiệp và từng người dân để cùng nhau thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu rác thải nhựa.

Các chuyên gia thảo luận tại Diễn đàn
Ông Phan Quốc Huy, Bí thư Đoàn Thanh niên Cục Biển và Hải đảo nhấn mạnh về mối nguy hiểm của rác thải nhựa đại dương, đặc biệt là tình trạng sử dụng ngày càng tăng của sản phẩm từ nhựa trong những năm gần đây. Theo ông Phan Quốc Huy, Việt Nam đang đứng thứ ba trong khu vực ASEAN về tiêu thụ sản phẩm từ nhựa, và vấn đề rác thải nhựa đại dương đang trở nên ngày càng nghiêm trọng.
Tại diễn đàn, Ông Cao Hoàng Anh, đại diện Đoàn Thanh niên Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, theo số liệu thống kê từ Bộ TN&MT, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn RTN thải ra môi trường, trong đó 0,28 - 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Điều đáng nói, việc xử lý và tái chế RTN còn nhiều hạn chế khi có đến 90% RTN được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế. Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ RTN, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn RTN và túi ni lông. Trong khi đó, việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý RTN còn hạn chế. Lượng chất thải nhựa và túi ni lông ở Việt Nam chiếm khoảng 8 - 12% chất thải rắn sinh hoạt, nhưng chỉ có khoảng 11 - 12 % trong số đó được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường, điều này có thể dẫn đến thảm họa môi trường, ô nhiễm đại dương.
Đại diện Đoàn Thanh niên Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh môi trường khích lệ các đoàn viên phát huy tinh thần sáng tạo. Các hoạt động nghiên cứu mô hình công sở xanh, sản phẩm thay thế nhựa, và sản phẩm tái chế từ RTN sẽ được đề xuất và triển khai để hạn chế sử dụng RTN và giảm thiểu việc thải nhựa vào môi trường. 
Ông Cao Hoàng Anh chia sẻ: "Trong bối cảnh tình hình ô nhiễm nhựa càng ngày càng nhức nhối, các chương trình BVMT do Đoàn Thanh niên Bộ TN&MT tổ chức đã đóng góp một phần quan trọng vào việc chống lại thảm họa này. Đặc biệt, qua những hành động thiết thực, đoàn viên, thanh niên đã trở thành lực lượng tiên phong, là những tấm gương mẫu mực, kêu gọi cộng đồng tham gia vào cuộc chiến chống RTN, nhằm xây dựng một xã hội an toàn, văn minh và hiện đại”.
Trong phần thảo luận, các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp đã trao đổi về những giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, bao gồm tăng cường tuyên truyền, giáo dục, xây dựng giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ và tăng cường tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa. Các đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của thanh niên trong việc lan tỏa nhận thức và thúc đẩy hành động chống ô nhiễm nhựa.
Diễn đàn mang lại không chỉ những nhận thức mới mẻ mà còn là cơ hội để các bên liên quan tìm ra các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đối với môi trường và con người, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm và các hành động thiết thực của thanh niên.
TÙNG LÂM

  •  
Các tin khác

Sau gần 4 năm triển khai mô hình thu gom vỏ hộp sữa tại các trường học trên địa bàn huyện Tiên Du, chương trình đã thu gom được trên 56 tấn vỏ hộp giấy, tương đương với 5,6 triệu vỏ hộp sữa.

Ngày 25/4, đoàn viên thanh niên của Công ty Cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) đã cùng nhau trồng hơn 1.000 cây đước trên vùng rừng ngập mặn ven biển huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Việt Nam cùng với gần 180 quốc gia đã bước vào Phiên thứ tư Hội nghị đàm phán liên chính phủ về xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa (INC-4) tại Ottawa, Canada. Đây là phiên đàm phán có số lượng đại biểu đăng ký tham dự đông nhất từ trước đến nay với gần 4.200 đại biểu của các quốc gia thành viên, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp.

Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.