TPHCM: 17 khu chế xuất, khu công nghiệp ứng phó sự cố môi trường

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/3/2024 | 2:03:07 Chiều

Chiều 28/2, UBND TP.HCM cho biết, đơn vị này đã ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn thành phố.


Khu chế xuất Tân Thuận, TPHCM. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ 
Theo UBND TPHCM, trên địa bàn thành phố có những khu vực có nguy cơ cao về sự cố môi trường, tập trung trong các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN), các bãi chôn lấp chất thải, khu xử lý nước thải tập trung. Hiện 17 KCX, KCN đang hoạt động với diện tích đất cho thuê 1.964 ha/2.539,06 ha đất công nghiệp, đạt tỷ lệ lấp đầy 77%.
Để phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, thành phố có kế hoạch và phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường tại 17 KCX, KCN nêu trên. Trong đó, có 04 đơn vị có xây dựng hồ sự cố là: KCN Lê Minh Xuân xây dựng 01 hồ sự cố với dung tích 1.500 m3; KCN Đông Nam xây dựng 01 hồ sự cố cho hệ thống xử lý nước thải tập trung có tổng thể tích chứa nước thải hữu dụng 16.800 m3; KCN Hiệp Phước (giai đoạn 1) xây dựng hồ sự cố 6.000 m3; KCN Lê Minh Xuân 3 xây dựng hồ sự cố 16.812 m3.
TP.HCM đã xây dựng lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý, phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố cao.
Lực lượng dự kiến huy động, gồm: quân sự, công an, bộ đội biên phòng, y tế, hội chữ thập đỏ, lực lượng xung kích… với khoảng hơn 29.000 người. Trong đó, lực lượng quân sự, công an và lực lượng xung kích địa phương sẽ là các mũi chủ lực xử lý các sự cố. Hàng trăm phương tiện, trang thiết bị ứng phó với sự cố cũng được sẵn sàng như: 114 xe tải, 81 xe cứu hỏa các loại, 26 xe cứu hộ 13 xe cứu thương, 67 xe chuyên dụng, 75 ô tô từ 4 - 29 chỗ…
Bên cạnh đó, UBND Thành phố chỉ đạo các đơn vị xây dựng lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý, phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải. Đồng thời, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các khu công nghiệp, chế xuất, nhà máy vi phạm quy định về quản lý, xử lý chất thải.
TP.HCM là đô thị đặc biệt nằm trên lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai với hơn 2.000km2 và hơn 10 triệu dân. Thành phố đã và đang chịu áp lực về lượng chất thải lớn, khả năng xảy ra sự cố chất thải là hoàn toàn có thể xảy ra.
Khả năng xảy ra sự cố chất thải rắn là công trình xử lý bị hư hỏng kết hợp với mưa, bão làm sạt lở bãi chôn lấp gây tràn đổ chất thải ra môi trường. Đối với nước thải, khả năng xảy ra do mưa, bão bất thường làm đập, hồ chứa nước thải chưa qua xử lý bị sạt lở, nước thải chảy ra môi trường và khu vực dân cư.
Chính vì những lý do trên, UBND TP.HCM và các đơn vị liên quan sẽ tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, phương án để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố chất thải.
TRÂM ANH
  •  
Các tin khác

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, quy định việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt từ nguồn cùng phương pháp thu phí xử lý rác thải mới dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo nên cơ chế để rác trở thành một nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời giảm áp lực lên quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay.

Phân loại rác tại nguồn vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc phân loại rác tại nguồn chưa đạt mục đích đề ra như phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải phân loại.

Trong thời gian qua các tỉnh, thành phố đã có nhiều mô hình, chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả thiết thực: giảm lượng rác thải chôn lấp; tăng lượng rác thải tái chế; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đây là hướng đi tất yếu trong nền kinh tế tuần hoàn. Tuy vậy, nhìn từ góc độ vĩ mô việc phân loại rác tại nguồn còn nhỏ lẻ manh mún, mỗi địa phương một cách, thiếu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn thành phố.