Mô hình nào cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị?

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/3/2024 | 10:33:01 Sáng

Ngày 7/3, tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị" đã được tổ chức tại Hà Nội.

Toạ đàm do Báo Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp cùng các cơ quan và đơn vị liên quan, nhằm đánh giá tình hình quản lý chất thải và thách thức về ô nhiễm môi trường tại các đô thị của Việt Nam.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại toạ đàm
Khai mạc toạ đàm, Tổng Biên tập Báo Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Công Dũng đã nhấn mạnh về tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng do sự phát triển kinh tế, đô thị hóa và tăng dân số. Việc giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa là nhiệm vụ cấp bách đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trong tọa đàm, các chuyên gia và nhà quản lý đã đánh giá tổng thể tình hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt. Các giải pháp và mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa đã được đề xuất nhằm mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh về áp lực lớn từ lượng chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa tại các đô thị, cùng với việc thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Ông cũng nêu rõ tầm quan trọng của sự chung tay từ các cấp, các ngành và người dân trong việc bảo vệ môi trường.
Theo thống kê, Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt một ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị.
Điều đáng nói, chất thải nhựa ở Việt Nam không chỉ phát sinh nhiều, mà đa phần đều bị thải trực tiếp cùng các loại chất thải khác và không được phân loại. Điều này càng gây khó khăn cho công tác phân loại, xử lý tái chế và giảm rác thải nhựa tại các địa phương. Trong khi đó, chất thải rắn là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng ở Việt Nam khi tốc độ gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2021 - 2030 trung bình là 6%/năm.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 70% lượng rác thải sinh hoạt tại Việt Nam hiện nay được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh. Lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh đang hằng ngày gây ô nhiễm cho môi trường đất, môi trường nước và không khí. Vấn đề này trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở các TP lớn.
Ngoài ra, trong số 30% được xử lý bằng phương pháp không chôn lấp thì cũng có đến 2/3 là được đốt tiêu hủy bằng các lò đốt rác thủ công, gây khói bụi ô nhiễm không khí. Việc kiểm soát, quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người.
Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy, giảm thiểu rác thải nhựa là một trong những hoạt động quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường và không thể tách rời với công tác quản lý rác thải sinh hoạt nói chung. Cùng với đó là việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường. Để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam đó là những giải pháp quan trọng bảo vệ môi trường cho tương lai, phù hợp với Luật Bảo vệ Môi trường Việt Nam 2020”.
Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề xuất các chính sách nhằm tái chế và tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt, nhấn mạnh vào việc quản lý chất thải ngay từ nguồn và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường.
Theo ông Tạ Đình Thi khẳng định cần có chính sách để tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt. Phần lớn các chất này đều có thể tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng và chôn lấp. Nếu việc chôn lấp được thực hiện đúng quy cách cũng có thể tạo ra tài nguyên không gian.
Trong thời gian qua, các dự án và mô hình quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa tại các địa phương đã được triển khai và hỗ trợ bởi nhiều tổ chức như Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF). Các hoạt động này đóng góp vào việc giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ các nguồn tài nguyên.
Tại tọa đàm, đại diện của WWF tại Việt Nam, ông Văn Ngọc Thịnh, nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc giảm thiểu chất thải nhựa và tăng cường công tác quản lý chất thải rắn. Ông cũng đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của chất thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người.
Chia sẻ về các giải pháp và công tác quản lý chất thải rắn tại địa phương, Tổng Giám đốc WWF tại Việt Nam cũng cho biết: WWF cũng như các tổ chức khác đã phối hợp và hỗ trợ nhiều địa phương triển khai các dự án, mô hình, giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý, thu gom, phân loại - xử lý rác, tăng tỷ lệ thu hồi rác tái chế; tích cực tuyên truyền, giáo dục... trong thời gian qua.
Các Dự án của WWF với các địa phương, bên cạnh việc hỗ trợ triển khai các quy định và chính sách tại địa phương, cải thiện hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa, WWF cũng đã tập trung vào việc xây dựng và triển khai thí điểm các mô hình và giải pháp dựa vào nguồn lực của cộng đồng.
Tọa đàm trực tuyến này là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý và các bên liên quan cùng nhau thảo luận, đánh giá và đề xuất các giải pháp hiệu quả trong việc quản lý chất thải và giảm ô nhiễm môi trường tại các đô thị của Việt Nam. 
TÙNG LÂM
  •  
Các tin khác

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, quy định việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt từ nguồn cùng phương pháp thu phí xử lý rác thải mới dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo nên cơ chế để rác trở thành một nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời giảm áp lực lên quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay.

Phân loại rác tại nguồn vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc phân loại rác tại nguồn chưa đạt mục đích đề ra như phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải phân loại.

Trong thời gian qua các tỉnh, thành phố đã có nhiều mô hình, chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả thiết thực: giảm lượng rác thải chôn lấp; tăng lượng rác thải tái chế; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đây là hướng đi tất yếu trong nền kinh tế tuần hoàn. Tuy vậy, nhìn từ góc độ vĩ mô việc phân loại rác tại nguồn còn nhỏ lẻ manh mún, mỗi địa phương một cách, thiếu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn thành phố.