Hội An: Đột phá đi đầu áp dụng tính tiền rác thải theo thể tích

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/3/2024 | 9:37:33 Sáng

Đi đầu trong việc triển khai áp dụng quy định mới tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, Thành phố Hội An đang tiến hành thí điểm cách thức "tính tiền rác hằng tháng bằng thể tích, cân nặng thông qua túi ni-lông" thay cho phương án thu phí rác truyền thống.


Túi ni-long chứa rác sinh hoạt, loại thể tích 10L đang được áp dụng tại Hội An 
Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) năm 2020 và nghị định số 08/2022/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT (Nghị định 08) có một số điểm mới quy định cách tính chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH).
Theo đó, căn cứ thu phí rác thải dựa theo khối lượng và thể tích được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024. Từng địa phương có thể quy định tính phí rác thải ở các thời điểm khác nhau, nhưng chậm nhất là đến ngày 31/12/2024. 
Một nội dung mới khác được quy định tại Luật BVMT là cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân khi các đối tượng này không thực hiện phân loại rác, không sử dụng bao bì đúng quy định.
Đi đầu trong triển khai các quy định trên, thành phố Hội An đang tiến hành thí điểm cách thức "tính tiền rác hằng tháng bằng thể tích, cân nặng thông qua túi ni lông" thay cho phương án thu phí rác truyền thống.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Thế Hùng, phó chủ tịch UBND TP Hội An, mô hình mới này đang được thí điểm tại phường Cẩm Nam, với sự đồng thuận ngày càng tăng từ cộng đồng. Thay vì đóng tiền rác theo mức cố định như trước đây, người dân hiện tại sẽ chi tiền mua túi ni-lông phù hợp với lượng rác thải họ sinh ra. "Trong tương lai, hộ nào dùng nhiều thì túi rác càng to, tương đương với tiền phí sẽ càng cao", ông Hùng nói.

Mô hình tính tiền rác mới đang được thí điểm tại phường Cẩm Nam, với sự đồng thuận ngày càng tăng từ cộng đồng. Ảnh: vnexpress
 
Từ khi triển khai chương trình kể trên, các hộ gia đình có thể mua các loại túi ni-lông với các dung tích khác nhau, gồm loại 10 lít, 15 lít, 20 lít và lớn nhất là 40 lít. Theo mức giá được quy đổi, loại túi ni-lông 10 lít có giá gần 1.900 đồng, túi 15 lít, giá 5.000 đồng, loại 20 lít, giá 7.500 đồng, loại 30 lít, giá 10.000 đồng và loại 40 lít, giá 15.000 đồng.
Theo cách thu phí rác thải truyền thồng, lâu nay mỗi tháng người dân tại Hội An sẽ đóng tiền cho công ty vệ sinh môi trường, với mức thu bình quân 30.000 đồng/hộ gia đình. Cách thu này được đánh giá là không công bằng giữa các hộ gia đình. Vì người làm phát sinh rác thải ít cũng phải đóng tiền bằng người làm phát sinh rác thải nhiều.
Hiện nay, với "mệnh giá" 30.000 đồng, các hộ gia đình sẽ mua được 16 túi loại 10 lít, với loại 15 lít thì sẽ mua được 6 túi, loại 20 lít sẽ mua được 4 túi… Theo ngày luân phiên trong tuần, xe thu gom rác sẽ tới các khu dân cư để chở rác đi. Nhân viên công ty môi trường sẽ trực tiếp bán các loại túi ni-lông này cho người dân, người dân sẽ trả tiền tương ứng số túi cần mua.
Phương pháp tính tiền rác hằng tháng bằng thể tích, cân nặng thông qua túi ni lông không chỉ nhằm mục đích bảo vệ môi trường lâu dài mà còn tạo ra sự công bằng và nâng cao ý thức của người dân trong việc quản lý và xử lý rác thải sinh hoạt. Với việc áp dụng thu phí theo thể tích, thành phố Hội An hy vọng có thể giảm thiểu vấn đề quá tải rác thải, đồng thời thúc đẩy việc phân loại rác tại nguồn, nhằm tối ưu hóa quá trình xử lý.
Đối diện với vấn đề quá tải rác thải từ nhiều năm qua, Hội An đã không ngừng nỗ lực trong việc tìm kiếm giải pháp hiệu quả. Tính đến nay, 60-80% hộ dân tại Hội An đã thực hiện phân loại rác tại nguồn theo quy định. Thêm vào đó, việc triển khai quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 cũng là một bước tiến quan trọng.
Đại diện chính quyền Hội An nhấn mạnh rằng việc áp dụng thu phí rác theo khối lượng, thể tích không hề dễ dàng, đòi hỏi sự chấp nhận và thích ứng từ phía người dân. Tuy nhiên, với sự kiên nhẫn và quyết tâm của chính quyền địa phương, Hội An hy vọng mô hình này sẽ trở thành động lực trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng.

Để việc áp dụng mô hình mới đạt hiệu quả, cần phải đầu tư xây dựng và cải thiện hạ tầng xử lý, phân loại, thu gom rác thải. Ảnh: Tuoitre 
Điều quan trọng là không chỉ áp dụng mô hình mới mà còn cần phải xây dựng và cải thiện hạ tầng xử lý, phân loại, thu gom rác thải. Trong tương lai gần, thành phố Hội An kỳ vọng có thể nhân rộng mô hình thu phí theo thể tích hoặc khối lượng, sau khi hoàn thành xây dựng nhà máy xử lý rác theo công nghệ hiện đại vào giữa năm 2024.

ĐAN VY

  •  
Các tin khác

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, quy định việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt từ nguồn cùng phương pháp thu phí xử lý rác thải mới dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo nên cơ chế để rác trở thành một nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời giảm áp lực lên quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay.

Phân loại rác tại nguồn vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc phân loại rác tại nguồn chưa đạt mục đích đề ra như phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải phân loại.

Trong thời gian qua các tỉnh, thành phố đã có nhiều mô hình, chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả thiết thực: giảm lượng rác thải chôn lấp; tăng lượng rác thải tái chế; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đây là hướng đi tất yếu trong nền kinh tế tuần hoàn. Tuy vậy, nhìn từ góc độ vĩ mô việc phân loại rác tại nguồn còn nhỏ lẻ manh mún, mỗi địa phương một cách, thiếu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn thành phố.