Vì sao miền Bắc ô nhiễm không khí kéo dài

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/3/2021 | 2:56:30 Chiều

Sương mù kết hợp ô nhiễm không khí khiến bầu trời Hà Nội âm u, mờ mịt hôm qua và dự báo có thể kéo dài nhiều ngày tới.

Vì sao miền Bắc ô nhiễm không khí kéo dài
Sáng qua, bầu trời Hà Nội mờ mịt do ô nhiễm không khí kết hợp sương mù Ảnh: Như Ý
Từ sáng 8/3, hệ thống quan trắc của Tổng cục Môi trường trên ứng dụng VN Air ghi nhận nhiều điểm ô nhiễm không khí lên ngưỡng kém, một số điểm lên ngưỡng xấu tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, miền Bắc, trong đó có Hà Nội, những ngày tới có mưa phùn, sương mù vào đêm và sáng sớm.
Hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air nhận định, với điều kiện thời tiết như trên, ô nhiễm không khí có thể kéo dài đến hết tuần. Đợt ô nhiễm này có thể kéo dài cả ngày, thay vì theo chu kỳ ô nhiễm vào đêm và sáng, cải thiện vào buổi chiều như nhiều đợt ô nhiễm trước đó.
Ô nhiễm không khí kết hợp sương mù có thể khiến không khí Hà Nội và các tỉnh phía Bắc chìm trong âm u, mờ mịt, tầm nhìn hạn chế. Tình trạng này sẽ tác động đến sức khỏe, đặc biệt là nhóm nhạy cảm (người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch). Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, mọi người nên đeo khẩu trang chống bụi mịn PM2,5 trong trường hợp phải ra ngoài.
Sẽ ban hành quy chuẩn quốc gia tiệm cận nước tiên tiến
Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, năm 2021, Bộ TN&MT sẽ triển khai một số giải pháp thúc đẩy giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí. Trong đó có việc rà soát, hoàn thiện, ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, chất lượng không khí môi trường xung quanh, đảm bảo tiêu chí tiệm cận với tiêu chuẩn các nước tiên tiến trên thế giới.
Ngoài ra, sẽ ban hành tiêu chí và chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, phương tiện và dịch vụ giao thông vận tải thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, hoàn thành trong quý IV.
Theo ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, cơ quan này đang phối hợp Tổng cục Môi trường và một số cơ quan liên quan thúc đẩy dự báo chất lượng không khí, lồng ghép vào bản tin thời tiết hằng ngày. Ông Thái cho biết, hiện nay, dữ liệu phục vụ dự báo chất lượng không khí rất thiếu. Vì vậy, việc đầu tiên là phải hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn đang từng bước nâng cấp, tích hợp hệ thống quan trắc không khí trong mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn. Bên cạnh đó, sẽ làm việc với các ban, ngành liên quan như giao thông, công thương… để tập hợp các nguồn phát thải. "Khi nguồn dữ liệu đầy đủ hơn, dựa vào các mô hình dự báo, có thể tiến hành dự báo, cảnh báo chất lượng không khí tại một số đô thị, trước tiên là Hà Nội và TPHCM”, ông nói.
Dự báo, ô nhiễm không khí có thể kéo dài đến hết tuần, kết hợp sương mù khiến miền Bắc âm u, mờ mịt. Nếu phải ra ngoài, mọi người nên đeo khẩu trang chống bụi mịn PM2,5.
Nguyễn Hoài/TPO

  •  
Các tin khác

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, quy định việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt từ nguồn cùng phương pháp thu phí xử lý rác thải mới dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo nên cơ chế để rác trở thành một nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời giảm áp lực lên quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay.

Phân loại rác tại nguồn vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc phân loại rác tại nguồn chưa đạt mục đích đề ra như phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải phân loại.

Trong thời gian qua các tỉnh, thành phố đã có nhiều mô hình, chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả thiết thực: giảm lượng rác thải chôn lấp; tăng lượng rác thải tái chế; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đây là hướng đi tất yếu trong nền kinh tế tuần hoàn. Tuy vậy, nhìn từ góc độ vĩ mô việc phân loại rác tại nguồn còn nhỏ lẻ manh mún, mỗi địa phương một cách, thiếu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn thành phố.