Hà Tĩnh: Bãi rác đã đóng cửa nhưng vẫn 'hành' dân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/8/2021 | 3:19:22 Chiều

Mặc dù bãi rác ở thôn Thanh Hòa (xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã đóng cửa “trên giấy” từ lâu nhưng rác vẫn tấp về đây mỗi ngày, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân địa phương.

Bãi rác chỉ đóng cửa trên giấy nên vẫn "hành" dân mỗi ngày.
Phản ánh với PV Đại Đoàn Kết, người dân thôn Thanh Hòa hết sức bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường ở bãi rác của thôn.
Bãi rác này được xây dựng năm 2014, giữa cánh đồng thôn Thanh Hòa, ngay gần lò mổ gia súc, gia cầm của xã Phù Lưu, cách khu dân cư khoảng 200-300 m.
ha-tinh-bai-rac-da-dong-cua-nhung-van-hanh-dan-1
Bãi rác đã "đóng cửa" trên giấy nhưng không có cửa khóa lại.
Bốn phía của bãi rác được xây tường bao xung quanh nhưng không có cửa đóng lại nên rác ùn ứ ra ngoài, tràn ra cả đường đi.
"Đủ thể loại rác từ bao bóng, gạch, đá đến xác, nội tạng động vật, thực vật…đều bị vứt vào bãi rác. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ám ảnh mỗi người dân chúng tôi, không ai có thể chịu nổi” - anh Nguyễn Viết Quân, một người dân thôn Thanh Hòa bức xúc nói.
Cũng theo anh Quân, mỗi khi nắng nóng cộng với gió Lào tạt qua, mùi hôi thối tỏa khắp làng. Mưa xuống đẩy nước thối rửa từ bãi rác ra ruộng đồng, ngấm vào nguồn nước, gây ô nhiễm khôn cùng.
"Cách vài ba ngày, rác ứ đọng đầy quá, đêm đến, người ta đốt rác, lửa cháy ngùn ngụt, khói bụi bay mù mịt. Thật sự không thể chịu được cảnh này mãi được” - anh Quân kể.
ha-tinh-bai-rac-da-dong-cua-nhung-van-hanh-dan-2
Nội tạng, xác động vật bị tấp vào bãi rác thường xuyên.
Theo tìm hiểu của PV, bãi rác thôn Thanh Hòa được xây dựng từ năm 2014, mục đích là làm nơi tập kết, trung chuyển rác để đưa đến bãi rác của huyện Lộc Hà ở xã Hồng Lộc. Khi xã Phù Lưu thành lập Hợp tác vệ sinh môi trường, xã cũng ra quyết định đóng cửa bãi rác trung chuyển này.
Để người dân không vứt rác ở bãi rác hết hạn, thôn Thanh Hòa thường xuyên thông báo trên loa phát thanh đồng thời cắm biển "cấm đổ rác” nhưng người dân vẫn bất chấp lệnh cấm, vứt rác bừa bãi. Trưởng thôn Thanh Hòa Đặng Xuân Thành cho hay, mặc dù thôn nhiều lần nhắc nhở, cắm biển cấm đổ rác nhưng một số người thiếu ý thức vẫn vứt rác vào bãi.
"Do bãi rác gần lò mổ nên khi đi lấy thịt, lợi dụng ban đêm hoặc sáng sớm, một số người vứt xác, phụ phẩm, nội tạng động vật vào bãi. Họ không đi vào sâu trong bãi mà vứt bên ngoài nên rác tràn ra hai bên cổng. Khi rác đầy quá, nhiều lần thôn phải bỏ tiền thuê máy xúc đến đào, lấp đất nhưng được ít hôm rác lại đầy nên không thể lấp xuể” - Trưởng thôn Thanh Hòa nói.
ha-tinh-bai-rac-da-dong-cua-nhung-van-hanh-dan-3
Rác đầy, người dân đốt rác làm khói, bụi bay mù mịt.
Đáng nói, lò mổ gia súc, gia cầm xã Phù Lưu chỉ có hệ thống xử lý nước thải, không xử lý rác thải rắn nên tiểu thương, người dân lợi dụng đêm tối, thường xuyên vứt phụ phẩm, nội tạng sau giết mổ vào bãi rác càng khiến môi trường ở đây ô nhiễm trầm trọng hơn. Sự việc được người dân, ban cán sự thôn Thanh Hòa phản ánh, kiến nghị nhiều lần lên chính quyền xã Phù Lưu nhưng không được xã giải quyết dứt điểm.
"Chúng tôi phản ánh nhiều lần, thậm chí đề xuất với xã cử người canh gác, nếu bắt gặp người nào thiếu ý thức vứt rác bừa bãi, lần đầu nhắc nhở, lần 2 cảnh cáo, lần thứ 3 phạt hành chính nhưng xã không thực hiện” - Trưởng thôn Thanh Hòa nói.
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu Nguyễn Đức Quang cho hay, xã đã bàn bạc với thôn và sẽ tiến hành làm cổng để đóng bãi rác ở thôn Thanh Hòa.
ha-tinh-bai-rac-da-dong-cua-nhung-van-hanh-dan-4
Làm cửa đóng lại liệu có giải quyết dứt điểm được vấn đề hay không?
Song, phương án làm cổng đóng lại như ý kiến của vị Chủ tịch UBND xã Phù Lưu đưa ra liệu có giải quyết được triệt để hay không khi hàng rào bãi rác thấp, dân vẫn có thể vứt rác vào được?
Mặt khác, lò mổ gia súc, gia cầm không có hệ thống xử lý chất thải rắn, những phụ phẩm, chất thải sau giết mổ sẽ đổ đi đâu, trong khi Hợp tác xã vệ sinh môi trường xã Phù Lưu chỉ gom rác 1 lần/1 tuần?

Hạnh Nguyên
Nguồn Đại Đoàn Kết
  •  
Các tin khác

Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022, quy định việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt từ nguồn cùng phương pháp thu phí xử lý rác thải mới dựa trên khối lượng hoặc thể tích. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo nên cơ chế để rác trở thành một nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời giảm áp lực lên quy trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay.

Phân loại rác tại nguồn vừa tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, vừa hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến cho việc phân loại rác tại nguồn chưa đạt mục đích đề ra như phương tiện vận chuyển, nhà máy và nguồn lực để thu gom, xử lý chất thải phân loại.

Trong thời gian qua các tỉnh, thành phố đã có nhiều mô hình, chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả thiết thực: giảm lượng rác thải chôn lấp; tăng lượng rác thải tái chế; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đây là hướng đi tất yếu trong nền kinh tế tuần hoàn. Tuy vậy, nhìn từ góc độ vĩ mô việc phân loại rác tại nguồn còn nhỏ lẻ manh mún, mỗi địa phương một cách, thiếu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn thành phố.