Thành phố Hồ Chí Minh và Sơn La: Góp mặt trong 'Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu' của UNESCO

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/2/2024 | 8:25:34 Sáng

Ngày 14/02/2024, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã tổ chức Lễ công bố danh sách 64 thành phố của 35 quốc gia được công nhận là thành viên "Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu", trong đó có 2 thành phố của Việt Nam là TP Hồ Chí Minh và TP Sơn La (tỉnh Sơn La).


Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ và năng động. Ảnh: ITN

Đây được coi là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy học tập suốt đời cho tất cả người dân, cũng như thực hiện chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế, khuyến khích học hành và tài năng, xây dựng xã hội học tập, và nâng cao chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực.

"Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu" của UNESCO có mục tiêu hỗ trợ và thúc đẩy học tập suốt đời ở các thành phố trên thế giới bằng cách khuyến khích đối thoại chính sách và học hỏi lẫn nhau giữa các thành viên, tạo liên kết, thúc đẩy quan hệ đối tác, xây dựng năng lực và phát triển các công cụ khuyến khích, đồng thời công nhận sự tiến bộ trong giáo dục.


Thành phố Sơn La luôn coi trọng công tác khuyến học, khuyến tài

Việt Nam hiện đã có tổng cộng 5 thành phố được công nhận là thành viên của "Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu" bao gồm TP Sa Đéc (Đồng Tháp), TP Vinh (Nghệ An), TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), TP Hồ Chí Minh, TP Sơn La (Sơn La). Để trở thành thành viên của mạng lưới này, các thành phố phải cam kết tạo điều kiện cho mọi người dân có cơ hội học tập suốt đời.

Tham gia vào "Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu" sẽ giúp cho các thành phố và người dân có điều kiện thuận lợi hơn trong việc trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm thông qua một mạng lưới năng động gồm 356 thành phố trên toàn thế giới. Các thành phố cũng được hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình phát triển thành phố học tập và được đề cử cho Giải thưởng thành phố học tập của UNESCO.

Những nỗ lực này không chỉ tạo ra cơ hội lớn cho các thành phố tăng cường hợp tác quốc tế và mạng lưới kết nối của mình mà còn góp phần vào sự phát triển năng động, bền vững của địa phương và khu vực.

LÂM HÀ
  •  
Các tin khác

Trong bối cảnh các nhà nhập khẩu yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn sản phẩm xanh, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không còn là giải pháp được khuyến nghị mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc...

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTÐB) đối với thuốc lá gần đây đã nhận được rất nhiều quan tâm của dư luận. Một quan ngại chính là liệu việc tăng thuế thuốc lá có làm tăng lượng tiêu thụ thuốc lá lậu và làm thất thu ngân sách? Đâu là phương án tăng thuế hợp lý và hiệu quả vừa đảm bảo cải thiện sức khỏe cộng đồng, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước ?

Để phát triển đô thị theo mô hình đô thị carbon thấp trong bối cảnh chưa có đủ tiêu chuẩn, tiêu chí và hành lang pháp lý như hiện nay, các đô thị sẽ gặp nhiều trở ngại trong quá trình xây dựng và phát triển.

Với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ Cà Mau, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã thực hiện thành công đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học (Marker phân tử) vào chọn giống lúa thơm (Cà Mau Thơm 3) có khả chịu mặn, chất lượng cao và năng suất cao cho vùng sản xuất lúa và lúa - tôm của tỉnh Cà Mau”. Kết quả trồng thử nghiệm cho thấy, Cà Mau Thơm 3 có thời gian sinh trưởng trung bình 95 ngày, năng suất cao (trung bình ≥5,0 tấn/ha), thích hợp cho mô hình canh tác lúa và lúa - tôm trên địa bàn tỉnh.