Trách nhiệm gây ô nhiễm nguồn nước

  • Cập nhật: Thứ bảy, 4/3/2017 | 10:05:20 Sáng

Hỏi: Tôi sống ở khu vực này đã lâu, nhưng hiện nay tôi thấy đoạn sông từ cống Cà Mau dọc lên Cái Nhúc, nhiều rác thải, trôi khắp cả sông, gây ô nhiễm môi trường, nhất là mùi hôi thối khó chịu và ô nhiễm nguồn nước (vì quá nhiều rác). Tôi thấy đã qua cũng có vớt rác, nhưng chỉ vớt ở khu vực từ cống Cà Mau đến khu vực chợ phường 7, hiệu quả chưa cao, vì vậy đề nghị cơ quan chức năng sớm chỉ đạo giải quyết tình trạng này, đồng thời có biện pháp xử phạt nghiêm minh việc xả rác bừa bãi nêu trên để sớm giúp dòng sông sạch đẹp cho bà con ở khu vực này sinh sống.

Trả lời:

Về vấn đề bạn hỏi, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau có ý kiến như sau: Hiện nay, các tuyến sông trên địa bàn thành phố Cà Mau vẫn còn tình trạng rác thải sinh hoạt trôi nổi trên sông rạch. Nguyên nhân là do việc xả chất thải vào sông rạch tại các khu dân cư ven sông, khu vực chợ cặp ven sông. Thời gian qua, Công ty công trình đô thị đã bố trí tàu vớt rác để thu gom rác thải trên sông rạch nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đối với tuyến sông từ Cống Cà Mau đến cầu Cái Nhúc, hiện nay tàu vớt rác chưa thu gom rác đến địa điểm này; đồng thời, do hiện nay Cống Cà Mau thường xuyên mở, nên rác thải theo dòng chảy trên sông trôi về hướng cầu Cái Nhúc, dẫn đến tình trạng rác thải tồn đọng nhiều ở khu vực này. Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trên sông rạch, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 10/8/2016 về việc tăng cường bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Cà Mau; đồng thời, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau và thủ trưởng các sở, ngành tỉnh có liên quan đã ký cam kết và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về quản lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn, đặc biệt là các tuyến sông, kênh, rạch… không để xảy ra tình trạng ứ đọng rác thải, gây ô nhiễm môi trường. UBND tỉnh đã cấp bổ sung kinh phí cho các huyện, thành phố để thực hiện nhiệm vụ về thu gom, xử lý triệt để rác thải trên địa bàn từ nay đến cuối năm 2016. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã biên soạn, in ấn và phát hành khoảng 300.000 tờ rơi có nội dung hướng dẫn bảo vệ môi trường và nêu rõ mức xử phạt đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt không đúng quy định. Hiện nay, UBND các huyện, TP. Cà Mau đang triển khai đợt tổng vệ sinh để thu gom rác thải trên các ao hồ, sông, kênh, rạch, khu dân cư và các điểm tồn đọng rác trên địa bàn và hàng tuần đều có báo cáo tiến độ thu gom rác về Sở Tài nguyên và Môi trường để báo cáo UBND tỉnh. Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ đề nghị UBND TP. Cà Mau hợp đồng với Công ty công trình đô thị mở rộng mạng lưới thu gom rác đến khu vực cầu Cái Nhúc để thu gom rác thải tồn đọng. Ngoài ra, Sở Xây dựng đang dự thảo, trình UBND tỉnh ban hành “Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên địa bàn tỉnh Cà Mau” nhằm quản lý chặt chẽ vấn đề môi trường do rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, nghiêm cấm hành vi vứt, đổ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định; phân công trách nhiệm UBND xã, phường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý. Nhưng trên hết, Sở Tài nguyên và Môi trường mong muốn từng người dân phải nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân trong công tác bảo vệ môi trường, thay đổi hành vi, thói quen không tốt và kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường sống cho mình, cho cộng đồng và nhân loại trước nguy cơ biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp như hiện nay. 

  •  
Các tin khác

Đại dương toàn cầu - các vùng biển trên Trái đất, bao gồm Bắc Cực, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và các đại dương phía Nam - cung cấp hơn một nửa lượng oxy mà chúng ta hít thở, đồng thời cung cấp lương thực và sinh kế cho hàng tỷ người trên toàn thế giới. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài hoang dã kỳ diệu, từ sinh vật phù du nhỏ bé đến sinh vật lớn nhất từng tồn tại - cá voi xanh. Sự đa dạng đặc biệt của cuộc sống ở đại dương và những dịch vụ mà chúng cung cấp cho con người đã mang lại những giá trị to lớn.

Với hệ thống sông ngòi dày đặc, Thanh Hóa được đánh giá là có tiềm năng nước mặt lớn cũng như trữ lượng nước ngầm phong phú. Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước (TNN) trên địa bàn tỉnh có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả. Trước yêu cầu từ thực tiễn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tăng cường phối hợp với các ban, ngành chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước đưa công tác quản lý TNN đi vào nền nếp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 19/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, địa phương liên quan tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Việc thiết lập hệ thống trạm quan trắc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia giám sát tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công sẽ cho biết các thông tin về khai thác, sử dụng nguồn nước, thông tin về số lượng nước, chất lượng nước là một phương cách để quản lý tài nguyên nước từ gốc.