Đưa công tác quản lý tài nguyên nước đi vào nền nếp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/4/2024 | 8:25:05 Sáng

Với hệ thống sông ngòi dày đặc, Thanh Hóa được đánh giá là có tiềm năng nước mặt lớn cũng như trữ lượng nước ngầm phong phú. Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước (TNN) trên địa bàn tỉnh có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả. Trước yêu cầu từ thực tiễn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tăng cường phối hợp với các ban, ngành chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước đưa công tác quản lý TNN đi vào nền nếp.


Hoạt động lấy mẫu kiểm tra độ mặn của nguồn nước tại Trạm đo triều - mặn Vạn Ninh thuộc địa bàn xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa).

Ông Lê Hùng Cường, Trưởng phòng TNN, Sở TN&MT cho biết: Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về TNN, cùng với công tác tuyên truyền, phòng chức năng của Sở TN&MT đặc biệt quan tâm đến công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về Luật TNN của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, sở tổ chức hàng chục cuộc thanh tra, kiểm tra liên quan đến hoạt động khai thác, sử dụng TNN và xả nước thải vào nguồn nước... Trong năm 2023, các đơn vị liên quan của Sở TN&MT đã kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật TNN tại 10 đơn vị. Qua kiểm tra, về cơ bản các đơn vị, tổ chức đã chấp hành tốt quy định của pháp luật về TNN và giấy phép được cấp; có ý thức trong việc khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước... Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa chấp hành đầy đủ các nội dung được pháp luật quy định liên quan đến xả nước thải; việc theo dõi diễn biến mực nước dưới đất trong quá trình khai thác; chế độ báo cáo định kỳ chưa bảo đảm... Các tồn tại trên đã được đoàn kiểm tra nhắc nhở và gia hạn thời gian hoàn thành. Theo đó, các đơn vị được kiểm tra trong thời gian quy định đã cơ bản chấp hành nghiêm chỉnh, kịp thời khắc phục, sửa chữa và hoàn thành các nội dung còn thiếu sót mà đoàn kiểm tra đã chỉ ra.

Cũng theo ông Cường, hằng năm, Phòng TNN đã tham mưu triển khai có hiệu quả nhiệm vụ điều tra triều - mặn trên hệ thống sông Mã, sông Yên và sông Lạch Bạng nhằm bổ sung chuỗi số liệu phục vụ nghiên cứu về triều - mặn góp phần phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Thực hiện kế hoạch năm 2024, tính đến hết tháng 3/2024, Đoàn Mỏ - Địa chất, Sở TN&MT đã hoàn thành việc đo triều mặn đợt 1 tại 16 trạm trên hệ thống sông Mã, sông Lạch Bạng, sông Yên. Qua số liệu đo đạc tổng hợp đợt 1 cho thấy mức độ xâm nhập mặn trên hệ thống sông Mã, sông Lạch Bạng, sông Yên dao động phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2023. Đơn cử như, trên dòng chính sông Mã tại phường Quảng Châu (TP Sầm Sơn) độ mặn đỉnh triều dao động từ 16,70 - 22,10%o; độ mặn chân triều dao động từ 1,98 - 4,86%o. Tại phường Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa), độ mặn đỉnh triều dao động từ 0,24 - 0,66%o; độ mặn chân triều dao động từ 0,00 -0,11%o. Độ mặn từ cửa biển vào tới 23,8km (phường Thiệu Khánh, TP Thanh Hóa) là 1%o... Hiện tại, đơn vị chức năng của Sở TN&MT đang tiếp tục tiến hành quan trắc đợt 2/2024 trên hệ thống sông Mã (kênh De, sông Lạch Trường) làm căn cứ, cơ sở để khuyến cáo người dân, chính quyền địa phương quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn TNN.

Cùng với nhiệm vụ trên, hoạt động cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, cấp phép hoạt động TNN cũng được ngành đặc biệt quan tâm. Trong năm 2023, Phòng TNN đã tham mưu cho lãnh đạo Sở TN&MT thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh cấp 33 giấy phép TNN, trong đó có 9 giấy phép thăm dò nước dưới đất; 15 giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất; 9 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt. Đối với hoạt động cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, đến nay, sau 4 đợt triển khai thực hiện tính từ năm 2019, toàn tỉnh đã cắm được 98% số mốc trong tổng số hơn 1.600 mốc phải cắm thuộc 66 đoạn sông suối trên địa bàn toàn tỉnh. Theo Trưởng phòng TNN Lê Hùng Cường, mục tiêu của việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước nhằm phòng, chống lấn chiếm đất, xây dựng các công trình trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước, đảm bảo sự ổn định của bờ; phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước và môi trường; bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước; tạo không gian cho các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng phục vụ công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Bảo vệ, quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn TNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong điều kiện nền kinh tế không ngừng phát triển như hiện nay. Với sự vào cuộc tích cực từ ngành chức năng, công tác quản lý Nhà nước về TNN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã, đang từng bước đi vào nền nếp. Sở TN&MT đang tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TNN đến các tổ chức, cá nhân, người dân; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của TNN trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, việc làm này sẽ chưa đủ nếu thiếu sự vào cuộc quyết liệt từ phía cấp ủy, chính quyền các địa phương. Và, mỗi tổ chức, cá nhân cần ý thức về trách nhiệm bảo vệ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này trước sự tác động của biến đổi khí hậu.

Theo Phong Sắc/Báo Thanh hoá

  •  
Các tin khác

Đại dương toàn cầu - các vùng biển trên Trái đất, bao gồm Bắc Cực, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và các đại dương phía Nam - cung cấp hơn một nửa lượng oxy mà chúng ta hít thở, đồng thời cung cấp lương thực và sinh kế cho hàng tỷ người trên toàn thế giới. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài hoang dã kỳ diệu, từ sinh vật phù du nhỏ bé đến sinh vật lớn nhất từng tồn tại - cá voi xanh. Sự đa dạng đặc biệt của cuộc sống ở đại dương và những dịch vụ mà chúng cung cấp cho con người đã mang lại những giá trị to lớn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 19/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, địa phương liên quan tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Việc thiết lập hệ thống trạm quan trắc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia giám sát tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công sẽ cho biết các thông tin về khai thác, sử dụng nguồn nước, thông tin về số lượng nước, chất lượng nước là một phương cách để quản lý tài nguyên nước từ gốc.

Mới đây, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023 đã trao giải Nhất trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn cho Công trình "Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ mới trong thiết kế công trình thuộc hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé" của GS.TS Trần Đình Hòa và cộng sự thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.