Nguồn nước hạ lưu sông Hồng có thể thiếu hụt đến 70%

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/9/2020 | 4:52:34 Chiều

Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) vừa có báo cáo về tình hình nguồn nước tháng 8 và những tháng cuối năm 2020.


Mực nước hạ lưu sông Hồng sẽ thiếu hụt lớn trong giai đoạn cuối năm 2020. Ảnh minh họa.
Số liệu quan trắc của Tổng cục Thủy lợi cho thấy, dung tích trữ các hồ chứa khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ hiện dao động từ 35 – 80% dung tích thiết kế, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 – 2019 từ 20 – 60% và thấp hơn so với tháng 7/2020 là 6,2%. Riêng tại Hà Nội, mực nước các hồ chứa thủy lợi hiện đạt trung bình 35%.
Tổng cục Thủy lợi nhận định, hiện nay, tại khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đang vào mùa mưa. Do đó, mực nước các hồ chứa sẽ được bổ sung. Cụ thể, theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ từ tháng 8 – 11/2020 phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Riêng tháng 12/2020, lượng mưa sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ 15 – 30%.
Đáng chú ý, Tổng cục Thủy lợi nhận định nguồn nước từ tháng 8 – 12/2020 trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ sẽ tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30 – 40%. Trong đó, hạ lưu sông Hồng sẽ bị thiếu hụt từ 40 – 70%. Điều này sẽ khiến sản xuất trong vụ Xuân 2021 gặp nhiều khó khăn.
Trên cơ sở nhận định tình hình khí tượng, thủy văn và dung tích trữ các hồ chứa thủy lợi, Tổng cục Thủy lợi nhận định trong vụ Đông 2020, nguồn nước tưới sẽ được đảm bảo. Tuy nhiên, cần đề phòng xảy ra ngập lụt, úng, nhất là trong giai đoạn đầu vụ. Ngoài ra, Tổng cục Thủy lợi cũng đề nghị cần có phương án tích nước hợp lý để phục vụ sản xuất cho vụ Xuân 2021, nhất là trong bối cảnh mực nước sông Hồng được dự báo sẽ thiếu hụt lớn.
Lâm Nguyễn/Kinh tế đô thị

  •  
Các tin khác

Đại dương toàn cầu - các vùng biển trên Trái đất, bao gồm Bắc Cực, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và các đại dương phía Nam - cung cấp hơn một nửa lượng oxy mà chúng ta hít thở, đồng thời cung cấp lương thực và sinh kế cho hàng tỷ người trên toàn thế giới. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài hoang dã kỳ diệu, từ sinh vật phù du nhỏ bé đến sinh vật lớn nhất từng tồn tại - cá voi xanh. Sự đa dạng đặc biệt của cuộc sống ở đại dương và những dịch vụ mà chúng cung cấp cho con người đã mang lại những giá trị to lớn.

Với hệ thống sông ngòi dày đặc, Thanh Hóa được đánh giá là có tiềm năng nước mặt lớn cũng như trữ lượng nước ngầm phong phú. Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước (TNN) trên địa bàn tỉnh có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả. Trước yêu cầu từ thực tiễn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tăng cường phối hợp với các ban, ngành chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước đưa công tác quản lý TNN đi vào nền nếp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 19/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, địa phương liên quan tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Việc thiết lập hệ thống trạm quan trắc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia giám sát tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công sẽ cho biết các thông tin về khai thác, sử dụng nguồn nước, thông tin về số lượng nước, chất lượng nước là một phương cách để quản lý tài nguyên nước từ gốc.