Hà Nội còn hơn 1.000ha vụ Xuân 2021 cần bổ sung nguồn nước từ hồ thủy điện

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/2/2021 | 2:49:10 Chiều

Theo thông báo của Bộ NN&PTNT, đợt 3 lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2021 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đã được điều chỉnh giảm 2 ngày; dự kiến sẽ kết thúc trước 24h ngày 25/2.

Vận hành trạm bơm dã chiến
Vận hành lấy nước vụ Xuân 2021 tại trạm bơm dã chiến Phù Sa (thị xã Sơn Tây)
Số liệu quan trắc của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, mực nước tại Trạm Thủy văn Sơn Tây được duy trì không thấp hơn 1,8m từ ngày 23/2/2021 đến nay. Dự kiến mực nước này sẽ tiếp tục được duy trì đến hết ngày 25/2/2021.
Tính đến chiều 24/2, tổng diện tích canh tác vụ Xuân 2021 đã có nước toàn khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ là hơn 513.00ha (đạt khoảng 98% kế hoạch). Trong đó cơ bản các địa phương đã hoàn thành kế hoạch lấy nước, các địa phương có tỷ lệ diện tích đủ nước thấp hơn là Hải Dương (94,3%) và TP Hà Nội (96%).
Ngoài ra, tỉnh Hải Dương còn khoảng 2.500ha tại huyện Kinh Môn có thời vụ gieo cấy muộn và chủ động nguồn nước, không phụ thuộc vào việc điều tiết nước bổ sung từ các hồ chứa thủy điện; riêng các huyện Ba Vì, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây của TP Hà Nội còn lại 10 - 20% diện tích chưa đủ nước. Tổng cộng Hà Nội còn khoảng 1.100ha cần dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện để vận hành công trình thủy lợi lấy nước.
Để bảo đảm tiến độ lấy nước vụ Xuân 2021, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Lương Văn Anh đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là Hà Nội tiếp tục tổ chức vận hành các công trình thủy lợi, phấn đấu hoàn thành cấp đủ nước cho 100% diện tích gieo cấy theo kế hoạch. Tích trữ nước tối đa trong hệ thống kênh mương, đầm, ao, khu trũng dành cho tưới dưỡng; bảo đảm không phát sinh yêu cầu nguồn nước bổ sung phục vụ gieo cấy sau thời gian lấy nước trong đợt 3.
Tăng cường vận động, hướng dẫn người dân phối hợp với đơn vị khai thác công trình thủy lợi tổ chức lấy nước. Thực hiện các biện pháp giữ nước trên ruộng, gia cố bờ vùng, bờ thửa, bảo đảm chống thất thoát, lãng phí nước. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp thực hiện xả nước để bảo đảm mực nước cho các công trình thủy lợi vận hành.
›Trọng Tùng/Kinh tế đô thị

  •  
Các tin khác

Đại dương toàn cầu - các vùng biển trên Trái đất, bao gồm Bắc Cực, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và các đại dương phía Nam - cung cấp hơn một nửa lượng oxy mà chúng ta hít thở, đồng thời cung cấp lương thực và sinh kế cho hàng tỷ người trên toàn thế giới. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài hoang dã kỳ diệu, từ sinh vật phù du nhỏ bé đến sinh vật lớn nhất từng tồn tại - cá voi xanh. Sự đa dạng đặc biệt của cuộc sống ở đại dương và những dịch vụ mà chúng cung cấp cho con người đã mang lại những giá trị to lớn.

Với hệ thống sông ngòi dày đặc, Thanh Hóa được đánh giá là có tiềm năng nước mặt lớn cũng như trữ lượng nước ngầm phong phú. Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước (TNN) trên địa bàn tỉnh có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả. Trước yêu cầu từ thực tiễn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tăng cường phối hợp với các ban, ngành chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước đưa công tác quản lý TNN đi vào nền nếp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 19/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, địa phương liên quan tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Việc thiết lập hệ thống trạm quan trắc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia giám sát tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công sẽ cho biết các thông tin về khai thác, sử dụng nguồn nước, thông tin về số lượng nước, chất lượng nước là một phương cách để quản lý tài nguyên nước từ gốc.