Phối hợp bảo đảm vận hành an toàn hồ chứa thủy điện mùa mưa bão

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/8/2021 | 8:37:07 Sáng

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) đã có cuộc trả lời phỏng vấn của báo chí về công tác phối hợp bảo đảm vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong mùa mưa bão

Ông đánh giá thế nào về hiệu quả công tác vận hành hồ chứa thủy điện do EVN quản lý trong thời gian qua? Theo ông, EVN và các nhà máy trực thuộc cần phải làm gì để nâng cao hơn nữa công tác vận hành hồ chứa thủy điện trong mùa mưa bão?
Ông Nguyễn Văn Tiến: Công tác vận hành hồ chứa thủy điện do EVN quản lý trong thời gian qua, đặc biệt là trong mùa mưa lũ, được thực hiện rất bài bản. Công tác quản lý vận hành đúng theo quy định; sự phối hợp của các chủ hồ thuộc EVN với Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT (Ban Chỉ đạo), chính quyền địa phương trong vận hành xả lũ thực hiện nhịp nhàng, hiệu quả.
Trước mùa mưa lũ hằng năm, EVN đều ban hành chỉ thị về công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn gửi Ban Chỉ đạo, các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm bảo đảm an toàn đập, hồ chứa, an toàn hạ du và triển khai thực hiện các văn bản của Ban Chỉ đạo.
Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa công tác vận hành hồ chứa thủy điện, các nhà máy thủy điện cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về quản lý an toàn hồ đập; đầu tư xây dựng nâng cấp hệ thống quan trắc nhằm bảo đảm các hạng mục công trình hoạt động bình thường theo công năng thiết kế và theo dõi giám sát trạng thái làm việc của công trình.
Ngoài ra, các nhà máy thuỷ điện cần thực hiện đầy đủ công tác kiểm định an toàn đập, hồ chứa theo quy định và ưu tiên áp dụng công nghệ mới vào hệ thống thu thập quan trắc từ xa, hiển thị theo dõi thời gian thực, tự động cảnh báo và báo cáo định kỳ để giám sát trực tuyến từ xa các công trình, bảo đảm quản lý an toàn, ổn định đập và hồ chứa.
Phoi-hop-bao-dam-van-hanh-an-toan-ho-chua-thuy-dien-mua-mua-bao-1Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục PCTT (Bộ NN&PTNT) - Ảnh: VGP
Cùng với đó, cần xây dựng, hoàn thiện và cập nhật, bổ sung các phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, phương án ứng phó thiên tai, phương án bảo đảm thông tin liên lạc khi có tình huống mưa lũ xảy ra.
Các nhà máy cần chủ động phối hợp với ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các địa phương, các đơn vị liên quan xây dựng và ký kết quy chế phối hợp trong công tác vận hành hồ chứa thủy điện, đặc biệt là trong các tình huống hồ xả lũ vào ban đêm; ưu tiên xây dựng, lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống cảnh báo khu vực hạ du như loa phóng thanh, biển cảnh báo, còi hú và thường xuyên kiểm tra, bão dưỡng hệ thống cảnh báo bảo đảm sẵn sàng hoạt động trong mọi tình huống
Tiếp tục hoàn thiện, lắp đặt bổ sung các trạm đo mưa, thủy văn, các camera giám sát xả nước; hệ thống tín hiệu đo mực nước hồ, lưu lượng xả qua nhà máy, lưu lượng xả qua tràn và thực hiện kết nối truyền dữ liệu tới các cơ quan liên quan để kịp thời ra quyết định chỉ đạo điều hành khi có tình huống.
Tổng cục PCTT đã phối hợp với EVN như thế nào trong thời gian qua để vận hành an toàn, hiệu quả và kinh tế đối với các hồ chứa thủy điện?
Ông Nguyễn Văn Tiến: Trong những năm qua, sự phối hợp giữa Tổng cục PCTT và EVN rất kịp thời và chặt chẽ trong các tình huống khi có mưa lũ xảy ra cũng như các hoạt động phối hợp giữa hai đơn vị.
Hằng năm, Tổng cục phối hợp với EVN tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra hệ thống hồ chứa và công tác chuẩn bị vận hành xả lũ trên lưu vực sông trước mùa mưa lũ. Hai đơn vị phối hợp, tổ chức các hội nghị, hội thảo liên quan đến công tác vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông, đặc biệt, thảo luận các nội dung liên quan đến quy trình vận hành, những bất cập trong công tác vận hành khi có thiên tai xảy ra để có các biện pháp khắc phục kịp thời.
Khi có tình huống mưa lũ phức tạp, cùng với việc tham gia các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT,  EVN còn cử lãnh đạo qua làm việc với Tổng cục để tham mưu vận hành liên hồ chứa sông Hồng với các nội dung về diễn biến mưa lũ, hiện trạng vận hành các hồ, tình hình mưa lũ phía hạ du nhằm đề ra các giải pháp phù hợp và kịp thời để tham mưu cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo phương án vận hành các hồ bảo đảm các mục tiêu "an toàn công trình, an toàn hạ du và hiệu quả phát điện".
Khi lưu lượng về hồ lớn, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn công trình, EVN đã chủ động cử thành viên tham gia đoàn công tác của Ban Chỉ đạo đi kiểm tra và chỉ đạo trực tiếp tại địa phương.
EVN cũng đã chủ động chỉ đạo các chủ hồ chứa và có công văn gửi Ban Chỉ đạo xin ý kiến. Trên cơ sở ý kiến tại công văn của EVN, Ban Chỉ đạo đều kịp thời có văn bản hướng dẫn để EVN triển khai chỉ đạo đến các cơ quan liên quan nhằm chủ động trong công tác vận hành các hồ thuộc phạm vi quản lý.
Trước khi ban hành Công điện vận hành các hồ, Ban Chỉ đạo có công văn về việc bảo đảm an toàn hạ du khi các hồ xả lũ gửi EVN cũng như các chủ hồ, địa phương để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do xả lũ hồ chứa gây ra.
Tại một số hạ du thủy điện, hành lang thoát lũ chưa được bảo đảm, ảnh hưởng đến vận hành cũng như an toàn cho người dân. Tổng cục PCTT đã có những kiến nghị cụ thể gì với các địa phương nhằm khắc phục tình trạng này?
Ông Nguyễn Văn Tiến: Trước mùa mưa lũ hằng năm, Tổng cục đều có văn bản gửi các đia phương đề nghị tổ chức thông tin, tuyên truyền về việc vận hành điều tiết xả lũ của hồ chứa đến các cấp chính quyền, người dân khu vực hạ du, ven sông trong thời gian mùa lũ (từ 15/6-15/9) và trong những tình huống bất thường.
Đồng thời, yêu cầu rà soát, sẵn sàng phương án, biện pháp bảo đảm an toàn khi các hồ chứa xả lũ, bao gồm: Hệ thống đê điều, đê bối, công trình đang thi công, lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông, ven sông, phương tiện vận tải thủy, các bến đò, hoạt động khai thác khoáng sản, canh tác nông nghiệp, sản xuất kinh doanh khác trên bãi sông, ven sông.
Tổng cục có văn bản gửi các địa phương đề nghị chỉ đạo rà soát phương án chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện để phòng, chống lũ, bảo đảm an toàn đê điều theo cấp báo động, nhất là phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu.
Phoi-hop-bao-dam-van-hanh-an-toan-ho-chua-thuy-dien-mua-mua-bao-1Hồ thủy điện Hòa Bình điều tiết xả lũ tháng 10/2020 - Ảnh: VGP
Tập trung chỉ đạo, tổ chức vớt rác lòng hồ khu vực đập, thượng lưu; giải tỏa các bến bãi trái phép gây cản trở dòng chảy trên lòng sông, bãi sông; phối hợp với các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương tuyên truyền, phổ biến, không để người dân, khách du lịch chụp ảnh, câu cá, vớt củi… khu vực hạ du đập khi xả lũ để tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Đề nghị các đài phát thanh và truyền hình địa phương tăng thời lượng tuyên truyền về quy trình và chỉ đạo điều hành đối với công tác vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng; hướng dẫn kỹ năng cho người dân để chủ động phòng tránh và ứng phó khi hồ chứa xả lũ (neo đậu tàu thuyền, di chuyển máy móc, vật tư, hàng hóa, điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp).
Hiện nay, nhiều nhà máy chưa được tiếp cận bản đồ ngập lụt hạ du để xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp theo yêu cầu của địa phương phía hạ du. Xin ông cho biết, thời gian tới, vấn đề này được Tổng cục PCTT giải quyết như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Tiến: Năm 2018, thực hiện Nghị định số 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý an toàn đập và nhiệm vụ Bộ NN&PTNT thôn giao, Tổng cục đã xây dựng và trình Bộ phê duyệt bản đồ ngập lụt hạ du 6 lưu vực sông liên tỉnh (sông Hồng - sông Thái Bình, sông Mã, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba, sông Sê San, sông Srêpốk). Tổng cục cũng đã tổ chức chuyển giao sản phẩm cho ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố và EVN.
Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên hiện vẫn chưa hoàn thành bản đồ ngập lụt hạ du ở tất cả các lưu vực sông trên cả nước. Trong thời gian tới, Tổng cục tiếp tục triển khai rà soát, cập nhật bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa nước trên các lưu vực sông liên tỉnh.

Nguồn baochinhphu.vn

  •  
Các tin khác

Đại dương toàn cầu - các vùng biển trên Trái đất, bao gồm Bắc Cực, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và các đại dương phía Nam - cung cấp hơn một nửa lượng oxy mà chúng ta hít thở, đồng thời cung cấp lương thực và sinh kế cho hàng tỷ người trên toàn thế giới. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài hoang dã kỳ diệu, từ sinh vật phù du nhỏ bé đến sinh vật lớn nhất từng tồn tại - cá voi xanh. Sự đa dạng đặc biệt của cuộc sống ở đại dương và những dịch vụ mà chúng cung cấp cho con người đã mang lại những giá trị to lớn.

Với hệ thống sông ngòi dày đặc, Thanh Hóa được đánh giá là có tiềm năng nước mặt lớn cũng như trữ lượng nước ngầm phong phú. Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước (TNN) trên địa bàn tỉnh có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả. Trước yêu cầu từ thực tiễn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tăng cường phối hợp với các ban, ngành chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước đưa công tác quản lý TNN đi vào nền nếp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 19/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ, địa phương liên quan tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Việc thiết lập hệ thống trạm quan trắc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia giám sát tài nguyên nước trên lưu vực sông Mê Công sẽ cho biết các thông tin về khai thác, sử dụng nguồn nước, thông tin về số lượng nước, chất lượng nước là một phương cách để quản lý tài nguyên nước từ gốc.