Bình Định:Nhà máy xử lý nước thải Nhơn Bình xuống cấp sau hơn một năm vận hành

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/4/2016 | 3:02:07 Chiều

(tapchicapthoatnuoc.vn) - Nằm trong chương trình Dự án vệ sinh môi trường các thành phố Duyên hải Việt Nam, vốn vay của Ngân hàng Thế giới, Nhà máy xử lý nước thải Nhơn Bình (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) là dự án thí điểm áp dụng công nghệ mới, xử lý sơ bộ bằng hóa chất tăng cường. Nhà máy được đưa vào vận hành cuối năm 2014, nhưng đến nay đã xảy ra tình trạng hư hỏng, xuống cấp, gây ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh.

Với công suất thiết kế xử lý 14.000 m3 nước thải/ngày đêm, tổng mức đầu tư gần 8 triệu USD, Nhà máy xử lý nước thải Nhơn Bình áp dụng công nghệ xử lý sơ bộ bằng hóa chất tăng cường, công nghệ mới nhất tại Việt Nam. Nhà máy được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, nếu vận hành đúng sẽ thải ra nước trong vắt, bảo đảm vệ sinh môi trường và đặc biệt là không gây mùi.

Khi phóng viên TTXVN có mặt tại khu vực dân cư quanh nhà máy, nhiều người dân đã bày tỏ bức xúc vì mùi hôi nồng nặc tỏa ra từ nhà máy này. Ông Lê Hồng Hoàng (phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn) cho biết, nhà ông ở cách nhà máy khoảng 500m, nhưng vẫn phải chịu đựng mùi hôi bốc ra nồng nặc. Mỗi khi gió thổi từ nhà máy về, cả khu dân cư phải đóng kín cửa.


Ông Đặng Văn Hớn (phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn) cho biết, dù gia đình ông đã chuyển về khu tái định cư cách nhà máy khoảng 1 km nhưng vẫn ngửi thấy mùi hôi.


Để tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân của tình trạng trên, phóng viên đã đến nhà máy Xử lý nước thảiNhơn Bình đăng ký được làm việc, nhưng không được vào nhà máy, với lý do: “Phóng viên muốn làm việc phải có giấy giới thiệu của tỉnh”.


Được biết, giữa năm 2015, UBND tỉnh Bình Định đã giao UBND thành phố Quy Nhơn quản lý Nhà máy Xử lý nước thải Nhơn Bình. Nhưng khi phóng viên gọi điện liên hệ làm việc, lãnh đạo thành phố Quy Nhơn lại từ chối trả lời với lý do: "Nhà máy là công trình trọng điểm của tỉnh, thành phố không liên quan". Trong khi người dân đang rất bức xúc, gặp khó khăn trong cuộc sống, lãnh đạo UBND thành phố Quy Nhơn lại né tránh, đùn đẩy trách nhiệm quản lý của mình.
Theo ông Lê Văn Lịch, Giám đốc Ban quản lý các Công trình trọng điểm tỉnh Bình Định - đơn vị trực tiếp thi công và vận hành thử nghiệm nhà máy Xử lý nước thải Nhơn Bình, việc gây ô nhiễm, mùi hôi là do vận hành nhà máy không đúng kỹ thuật. Đây là nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến, mới nhất tại Việt Nam, do đó việc vận hành đúng kỹ thuật là rất quan trọng.


Ông Lịch cho biết: Nhà máy được thiết kế và thi công theo tiêu chuẩn quốc tế, sau khi vận hành thử nghiệm đã có các chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới về kiểm tra và đã bày tỏ sự hài lòng về chất lượng xử lý của nhà máy. Sau đó cuối năm 2014, Ban Quản lý các Công trình trọng điểm tỉnh Bình Định đã bàn giao nhà máy cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cấp thoát nước Bình Định quản lý. Đến đầu tháng 4/2015, nhà máy này được chuyển cho Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Quy Nhơn vận hành. Sau 2 lần chuyển giao, các đơn vị vẫn vận hành sai quy cách, gây ô nhiễm môi trường. Đến tháng 10/2015, UBND tỉnh Bình Định lại giao nhà máy cho liên doanh Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền (trụ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh) và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển môi trường SFC Việt Nam (trụ sở ở Hà Nội) tạm thời tiếp quản, vận hành và khắc phục ô nhiễm. Như vậy, chỉ sau hơn 1 năm, nhà máy đã phải thay tới 3 đơn vị vận hành.


Theo kết quả kiểm tra vừa qua của đoàn chuyên gia Ngân hàng Thế giới, công tác vận hành và bảo dưỡng nhà máy đang có vấn đề. Theo đó các trạm bơm nước thải về nhà máy được thiết kế vận hành tự động, nhưng do gần biển, lại lâu ngày không bảo dưỡng nên các tủ điện đã bị oxy hóa, hiện nay phải vận hành thủ công. Bộ phận giếng tách trong nhà máy bị tắc rác thải, không sớm xử lý đã dẫn đến hư hỏng hệ thống. Xung quanh nhà máy chưa có hệ thống cây xanh cách ly ngăn mùi, nên chưa đảm bảo vệ sinh môi trường.


Ông Lê Văn Lịch cho biết sắp tới Ngân hàng thế giới sẽ tiếp tục cấp vốn đợt 2 để nâng công suất nhà máy, xử lý các lỗi hư hỏng và có các biện pháp che chắn, ngăn mùi. UBND tỉnh Bình Định cũng đã chỉ đạo thành phố Quy Nhơn nhanh chóng sửa chữa các thiết bị hư hỏng, trồng thêm cây xanh cách ly để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Theo Tin Môi trường
  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.