Giao thông rối loạn vì ngập

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/5/2016 | 11:31:51 Sáng

(capthoatnuocvietnam.vn) - Trận mưa đêm 24 rạng sáng 25-5 vượt quá năng lực thoát nước của Hà Nội khiến toàn bộ TP xuất hiện 35 điểm ngập nước

Sáng 25-5, nhiều tuyến phố ở thủ đô Hà Nội đã biến thành sông, giao thông ùn tắc, hỗn loạn.

Nước bao vây tứ phía

Tại quận Hà Đông, sáng thức dậy, người dân khu đô thị Văn Phú bàng hoàng khi nhiều mô tô, ô tô chìm sâu trong nước. Hầu hết người dân khu vực này không thể ra khỏi nhà vì nước bao vây tứ phía. Ở khu vực chân cầu vượt đường sắt Yên Nghĩa cũng bị cô lập bởi biển nước mênh mông.

Quận Cầu Giấy, khu vực chợ Nhà Xanh ở phố Phan Văn Trường, nước tràn vào nhà từ tối 24-5. Tới rạng sáng 25-5, nước dâng cao, tiểu thương buôn bán tại đây phải dậy trong đêm để ra chợ di chuyển hàng hóa. Thế nhưng, vẫn có hàng chục ki-ốt của các tiểu thương cùng hàng hóa ngập sâu trong nước. Ở phố Hoa Bằng, phường Yên Hòa, nước ngập khắp nơi, tắc đường, một tài xế đã lao xe vào phố Hoa Bằng tìm đường đi, không may nước quá sâu, ô tô nổi lềnh bềnh ngay sau đó.

Khu vực đường Tây Sơn, quận Đống Đa bị ùn tắc nghiêm trọng Ảnh: Nguyễn Hưởng
Khu vực đường Tây Sơn, quận Đống Đa bị ùn tắc nghiêm trọng Ảnh: Nguyễn Hưởng

Khu vực Đền Lừ (quận Hoàng Mai), nhiều nhà có nền thấp đã phải thức suốt đêm tát nước và di chuyển đồ đạc sang gửi nhờ nhà hàng xóm. Khu đô thị Resco ở quận Bắc Từ Liêm, người dân phải nhờ một chiếc xe máy xúc chở ra khỏi tòa nhà vào đầu giờ sáng để kịp giờ làm. Khu vực phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm), nước ngập sâu nhiều tuyến đường…

Trong khi nhiều người dân tất tả tìm đường để có thể tới công sở, đưa con đến trường thì cũng có nhiều người dân ở khu vực quận Hà Đông, huyện Phú Xuyên ra đường để bắt cá. Nhiều dịch vụ “ăn theo” làm ăn khấm khá như lau bugi xe máy lấy 20.000 đồng, xe kéo chở xe máy qua chỗ ngập lấy 30.000-50.000 đồng/lượt…

Vượt quá khả năng thoát nước

Ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, cho biết từ 23 giờ ngày 24 đến 4 giờ 30 phút ngày 25-5, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra mưa lớn. Trong đó, lượng mưa đo được tại Vân Hồ là 187,1 mm, Cầu Giấy 277,8 mm, Mễ Trì 235,5 mm, Ngã tư Sở 228,7 mm…

“Cường độ mưa tính theo thời gian quá lớn nên đã vượt tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước TP. Chỉ hơn 5 giờ, lượng mưa đã lên tới hơn 270 mm. So với trận mưa lịch sử năm 2008 - khoảng 600 mm trong 2 ngày - lượng mưa đêm 24-5 có cường độ nhiều gấp đôi nếu tính cùng thời gian” - ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, do lượng mưa lớn đột biến cùng ảnh hưởng của những công trình hạ tầng kỹ thuật đang thi công các mương như Vĩnh Tuy, Thụy Khuê, Nghĩa Đô, Tây Sơn… nên đã xảy ra úng ngập tại hàng loạt tuyến đường, tuyến phố ở nhiều quận.

Nước ngập sâu ở đường Đỗ Đức Dục, quận Nam Từ Liêm Ảnh: Văn Duẩn
Nước ngập sâu ở đường Đỗ Đức Dục, quận Nam Từ Liêm Ảnh: Văn Duẩn

Còn ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, cho biết rạng sáng 25-5, đơn vị đã huy động 100% quân số túc trực tại các điểm úng ngập; khơi thông dòng chảy, mở cửa các hồ để điều hòa nước, vận hành trạm bơm để hạ mực nước hệ thống, ngăn nước đổ về sông Nhuệ để tiêu thoát cho nội thành, tránh ngập úng kéo dài. Đơn vị này cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạm dừng bơm nước từ hệ thống mương nông nghiệp khu vực thượng lưu sông Nhuệ để giảm tải lượng nước đổ ra sông phục vụ thoát nước nội thành.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cũng thừa nhận trận mưa đêm 24-5 vượt quá năng lực thoát nước của Hà Nội khiến toàn bộ TP xuất hiện 35 điểm úng ngập.

“Ngay kể cả dự án thoát nước giai đoạn 2 hoàn thành cũng chỉ thoát được 310 mm trong vòng 2 ngày ở lưu vực sông Tô Lịch. Trong khi đó, lượng mưa rất lớn đổ xuống Hà Nội, điểm cao nhất lên đến gần 280 mm trong vòng 5 giờ” - ông Phong giải thích.

Về giải pháp chống ngập úng trong trường hợp Hà Nội tiếp tục hứng chịu những cơn mưa lớn, ông Phong cho biết Sở Xây dựng vẫn đang huy động 100% CB-CNV công ty thoát nước ứng trực, đồng thời cho vận hành 100% công suất của các trạm bơm. Nếu trời tiếp tục mưa lớn sẽ đưa ra biện pháp phân lưu bảo đảm thoát nước nội thành. Hiện vẫn mở đập Thanh Liệt để phục vụ thoát nước cho khu vực quận Hà Đông và tả ngạn sông Nhuệ.

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, trưa 25-5, một vùng áp thấp hình thành trên biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa, có khả năng mạnh thêm.

Đêm 25 và sáng 26-5, các tỉnh Bắc Bộ và Hà Nội tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và giông. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong 2-3 ngày tới tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có giông.

Cảnh báo nguy cơ lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở vùng núi phía Bắc như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn...

Cơn “mưa vàng” ở Đà Nẵng gây ngập cục bộ

Lúc 15 giờ 10 phút ngày 25-5, Đà Nẵng có mưa lớn kéo dài gần 1 giờ khiến nhiều tuyến đường trung tâm bị ngập. Tuyến đường Quang Trung, đoạn từ ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Quang Trung đến ngã tư Đống Đa - Quang Trung, bị ngập nặng, đặc biệt đoạn đường đối diện Bệnh viện Đà Nẵng ngập trên 0,5 m. Rất nhiều xe máy, ô tô của người đi đường bị chết máy.

Dù ngập nặng nhưng người dân Đà Nẵng vẫn hồ hởi vì đây là cơn “mưa vàng” giúp TP này mát mẻ sau những tháng oi bức và nước sông Cầu Đỏ bớt nhiễm mặn.H.Dũng

Theo nld
  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.