Cấp bách đầu tư hệ thống thoát nước phía Tây Hà Nội

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/5/2016 | 9:04:26 Sáng

Kinhtedothi - Trận mưa đầu mùa đêm 24, rạng sáng 25/5 vừa qua đã làm nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội ngập nặng, đặc biệt là các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm.

Việc nhiều tuyến phố ngập nặng khiến người dân đặt câu hỏi về hiệu quả đầu tư các công trình chống úng ngập của Dự án thoát nước, cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn I và giai đoạn II. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Xây dựng, khu vực bị úng ngập nặng lại không nằm trong phạm vi của Dự án.
Nội đô - nước thoát tốt
Theo Giám đốc Ban quản lý Dự án Thoát nước Hà Nội Phạm Văn Cường: “Dự án thoát nước, cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn I và giai đoạn II nhằm mục tiêu chống úng ngập cho TP trong lưu vực sông Tô Lịch (phạm vi Vành đai 2 trở vào trung tâm TP) khi có lượng mưa 310mm/2 ngày. Các hạng mục còn lại của dự án giai đoạn 2 đang trong giai đoạn thi công gấp rút để hoàn thành vào cuối tháng 6 năm nay. Khu vực phía Tây TP, nhất là khu vực quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm bị úng ngập sâu vì nằm ngoài phạm vi Dự án thoát nước.
Nạo vét tạo dòng chảy trên sông Tô Lịch. Ảnh: Hải Linh
Nạo vét tạo dòng chảy trên sông Tô Lịch. Ảnh: Hải Linh
Trong khi đó, ông Lê Vũ Quảng Sương - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết thêm, hệ thống thoát nước đô thị Hà Nội trải rộng trên địa bàn 12 quận với diện tích khoảng 230km2, gồm 3 lưu vực thoát nước chính. Trong đó, chỉ có lưu vực sông Tô Lịch (nội thành cũ - 77,5km2) được đầu tư xây dựng và cải tạo đồng bộ, cải thiện thoát nước và VSMT. Lưu vực Tả Nhuệ (58km2) chưa được đầu tư đồng bộ nên mùa mưa thường xảy ra úng ngập do mực nước sông Nhuệ dâng cao. Tương tự, lưu vực Long Biên cũng chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước. Cũng theo ông Sương, trong trận mưa lớn vừa qua, lượng mưa cao nhất lên đến 280mm (trong 6 tiếng). Nếu so sánh, trận mưa này chỉ kém trận mưa năm 2008 và còn cao hơn trận mưa lớn vào tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, tại khu vực nội thành (thuộc lưu vực sông Tô Lịch), hầu hết các trọng điểm úng ngập đến 8 giờ 30 phút sáng nước đã cơ bản rút hết, giao thông đi lại bình thường. Chỉ còn duy nhất phố Thái Hà đoạn qua ngõ 165 bị ngập do địa hình trũng. Có thể nói đến thời điểm này, các hạng mục của Dự án thoát nước, cải thiện môi trường Hà Nội đã và đang phát huy tác dụng trong việc giảm số điểm và thời gian úng ngập, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng việc đi lại, sinh hoạt, lao động của người dân.
Gấp rút triển khai dự án thoát nước phía Tây
Trong trận mưa lớn vừa qua, có một điều khiến dư luận băn khoăn, đó là các tuyến phố cũ hệ thống thoát nước đã cơ bản đáp ứng thoát nước khi có mưa lớn, nhưng ở các khu đô thị mới hay các tuyến đường mới lẽ ra phải có hệ thống hiện đại hơn, thì dường như lại bị ngập nặng hơn. Theo ông Cường, khi lập quy hoạch thoát nước Hà Nội, các khu vực đều đã được lên kế hoạch xây dựng tổng thể hệ thống thoát nước. Cụ thể, trong các Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội được lập năm 1995 hay Quy hoạch mới đây đều đề cập đến việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, nhưng phân kỳ đầu tư, ưu tiên triển khai các khu vực trọng điểm. Do đó, lưu vực sông Tô Lịch nơi có các cơ quan T.Ư và TP Hà Nội cũng như tập trung đông dân cư hơn nên được ưu tiên đầu tư xây dựng cải tạo hệ thống thoát nước bắt đầu từ năm 1998 đến nay.
Trong khi đó, những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2008 đến nay, Thủ đô Hà Nội mở rộng và phát triển mạnh ra khu vực Tả Nhuệ với nhiều khu đô thị được đầu tư xây dựng. Tại các khu đô thị này đều được chủ đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước bài bản theo đúng quy định của Bộ Xây dựng nhưng hệ thống thoát nước chưa được kết nối với nhau, do vậy vẫn xảy ra úng ngập khi mưa to. Theo Sở Xây dựng, hiện hệ thống thoát nước tại các khu đô thị thuộc các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm đều được dẫn ra sông Nhuệ. Trong khi đó, sông Nhuệ cũng như các kênh, mương thoát nước tại các quận trên đều là thoát nước bán nông nghiệp và đô thị, có nghĩa là vừa phải chống úng cho nông nghiệp vừa phải chống ngập cho đô thị.
Để giảm thiểu úng ngập cho khu vực phía Tây, UBND TP đã giao cho các sở, ngành liên quan tập trung xây dựng trạm bơm Liên Mạc công suất 170m3/s bơm nước ra sông Hồng; trạm bơm Yên Nghĩa công suất 120m3/s bơm nước ra sông Đáy để hạ mực nước sông Nhuệ. Cùng với đó, TP giao cho Ban Quản lý Dự án Thoát nước Hà Nội (Sở Xây dựng) lập dự án thoát nước lưu vực Tả Nhuệ để giải quyết úng ngập cho khu vực. Hiện, Ban đang đôn đốc tư vấn đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thiện dự án tiền khả thi dự án thoát nước lưu vực tả Nhuệ với các hạng mục chính như: Cải tạo sông Nhuệ, xây dựng các trạm bơm, kênh dẫn tại các tiểu lưu vực Mỹ Đình, Cổ Nhuế, Mễ Trì, Ba Xã… Đồng thời cải tạo các cống thoát nước chính, hồ điều hòa tại các quận. Phấn đấu trong tháng 6 trình UBND TP để báo cáo Chính phủ xin nguồn vốn đầu tư cho dự án.
Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (Dự án II), với mục tiêu chống ngập úng TP trong lưu vực sông Tô Lịch do nước mưa, với chu kỳ bảo vệ 10 năm đối với sông và mương thoát nước ứng với lượng mưa 310mm/2 ngày (giai đoạn I là 172mm/2 ngày); chu kỳ 5 năm đối với hệ thống cống ứng với lượng mưa là 70mm/giờ. Cải thiện môi trường TP, trên diện tích 77,5km2 từ sông Hồng đến sông Tô Lịch.
 
Theo kinh tế đô thị
  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.