Dân Đà Nẵng ùa vào đập phá trạm xử lý nước thải trong đêm
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/6/2016 | 8:36:53 Sáng
(capthoatnuocvietnam.vn) - Quá bức xúc trước tình trạng trạm xử lý nước thải gây ô nhiễm, một số người dân đã vào trạm xử lý nước thải trong khu công nghiệp để đập phá.
Tối 1/6, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đã chủ trì buổi đối thoại với người dân phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) ngay tại Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Liên Chiểu.
Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Đàm Quang Hưng cho biết, vì quá bức xúc trước tình trạng trạm xử lý nước thải gây ô nhiễm, trong hai đêm 30-31/5, một số người dân địa phương đã vào trạm đập phá.
Trình bày bức xúc, người dân cho biết trạm xử lý nước thải KCN Liên Chiểu khoảng 2 năm trở lại đây thường xuyên xả thải không đảm bảo vào khoảng 23h, khiến người dân không có được giấc ngủ ngon vì mùi hôi thối.
"Người bị bệnh ung thư ngày càng nhiều, liệu có phải do môi trường ô nhiễm", ông Phạm Bá Đường (67 tuổi) đang bị ung thư đại tràng nói và đề nghị ngành chức năng phải kiểm tra trạm xử lý nước thải khu công nghiệp.
Trong khi đó, nhiều hộ dân đề nghị thành phố mua bảo hiểm y tế và di dời họ đến nơi ở mới để thoát cảnh ô nhiễm. "Tội nhất là những cháu nhỏ phải sống trong nỗi ám ảnh căn bệnh ung thư", ông Lý Văn Tiến nói.
Chủ đầu tư KCN Liên Chiểu đã nhận khuyết điểm trước người dân và cho rằng thời gian qua không sâu sát với đơn vị vận hành trạm, khiến môi trường ô nhiễm.
Vị này cho biết đã thôi hợp đồng với đơn vị vận hành trạm là Công ty TNHH Khoa học công nghệ môi trường Quốc Việt (trụ sở tại TP HCM), thay vào đó đã hợp tác với Công ty Thoát nước và xử lý nước thải của Đà Nẵng để xử lý. Một nhà máy xử lý nước thải mới sẽ được đầu tư và hoàn thành vào quý I/2017.
Phó chủ tịch Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường và các đơn vị liên quan lập đoàn kiểm tra để xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, từ đó có phương án xử lý, nâng cấp trạm. Trong đoàn kiểm tra phải có người dân tham gia giám sát.
"Đoàn kiểm tra phải tiếp cận tất cả nhà máy trong khu công nghiệp để kiểm tra nguồn nước thải đầu ra", ông Tuấn nói và chỉ đạo làm rõ trách nhiệm các đơn vị để xảy ra ô nhiễm.
Các tin khác
Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.
Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.
Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.