TP.HCM cần 97.000 tỷ đồng cho quy hoạch thoát nước đến năm 2020

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/6/2016 | 9:22:48 Sáng

(capthoatnuocvietnam.vn) – Những cơn mưa đầu mùa vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa kịp xua đi cái nóng bức kéo dài thì lại đưa đến nỗi lo thường trực cho mỗi người dân nơi đây về vấn đề ngập nước.

Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 6 trận mưa với lượng mưa từ 10mm đến 60mm.

Có 3 trận mưa gây ngập tại 16 tuyến đường; trong đó, có 4 tuyến đường ngập ở mức độ vừa với chiều sâu từ 0,15m-0,2m và 16 tuyến đường bị ngập nhẹ trong thời gian mưa, thời gian nước rút khoảng 15 phút sau khi hết mưa.

Cụ thể, trận mưa ngày 16/5 với lượng mưa lớn nhất 60mm (đo tại trạm Phước Long A) đã gây ngập 2 tuyến đường Nguyễn Xí, Xa Lộ Hà Nội và các điểm ngập nhẹ như Thảo Điền, Bạch Đằng – Đinh Bộ Lĩnh, Hồ Văn Tư, Quốc lộ 13, Kinh Dương Vương, An Dương Vương, Mai Thị Lựu.

Trận mưa ngày 17/5 với lượng mưa lớn nhất 50,2mm (đo tại trạm Phước Long A) đã gây ngập tuyến đường Nguyễn Xí và các điểm ngập nhẹ như Đặng Thị Rành, Hồ Văn Tư, Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, Xa lộ Hà Nội, Đỗ Xuân Hợp.

Tiếp đó, trận mưa ngày 18/5 với lượng mưa lớn nhất 39mm (đo tại trạm Thanh Đa) trùng lúc đỉnh triều 1,18m (đo tại trạm Phú An) đã gây ngập 3 tuyến đường là Nguyễn Xí, Nguyễn Hữu Cảnh, Quốc Hương và các điểm ngập nhẹ như Ung Văn Khiêm, D1, D2, Quốc lộ 13, Quốc Lộ 1A, Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai.

Trong khi đó, 4 tuyến đường ngập vừa gồm đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh, ngập 0,3m), Xa lộ Hà Nội (quận 9, Thủ Đức, ngập 0,2m), đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, ngập 0,25m), và đường Quốc Hương (quận 2, ngập 0,15m).

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Theo dự báo của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2016 trên địa bàn sẽ có khoảng 40 tuyến đường ngập do mưa. Giải pháp cấp bách sẽ là duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp; lắp đặt và vận hành van ngăn triều tại các cửa xả; đấu nối cống, mở hướng thoát nước mới, vận hành các cống Kiểm soát triều Bình Lợi, Bình Triệu, rạch Lăng, rạch Nhảy-ruột Ngựa, Nhiêu Lộc-Thị Nghè, trạm bơm Thanh Đa.

Triển khai giải pháp lâu dài, các đơn vị, nhà đầu tư đang thực hiện dự án mở rộng đường và cải tạo hệ thống thoát nước khu vực Quốc lộ 13-Đinh Bộ Lĩnh-Nguyễn Xí – Ung Văn Khiêm (dự kiến thời gian hoàn thành năm 2017), rạch Bàu Trâu (2020), đường Phan Anh-An Dương Vương (2020), đường Bàu Cát (2019), Trương Công Định (2019), Bạch Đằng (2020), rạch Xuyên Tâm (2020), Gò Dầu (2017), đường Mễ Cốc 2 (2018), Tân Quý (2019), Mai Thị Lựu (2019), Nguyễn Hữu Cảnh (2020)…

Ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, giải quyết ngập cho thành phố cần phải có giải pháp toàn diện, kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, không chỉ riêng trên địa bàn thành phố mà còn phải tính toán đến các khu vực xung quanh như Đồng Nai, Long An, Bình Dương…, đồng thời phải giải quyết dứt điểm cho từng khu vực cụ thể, tận dụng hệ thống kênh rạch làm nơi thoát nước cũng như xây dựng hồ điều tiết.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, tình trạng ngập nước đang gây bức xúc và làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân. Đây là 1 trong 7 chương trình đột phá của thành phố. Các giải pháp chống ngập đã và đang triển khai phải đảm bảo một cách đồng bộ, chặt chẽ, cả giải pháp công trình và phi công trình.

Thực hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, thành phố đã xây mới và cải tạo 2.593/6.000km (đạt 40%) hệ thống thoát nước; đang xây dựng quy hoạch hồ điều tiết (hiện đang triển khai 3 hồ điều tiết), cải tạo 60,3/5.075 km (đạt 1,19%), hoàn thành giai đoạn 1 của 1 nhà máy xử lý nước thải (tổng số 12 nhà máy).

Kế hoạch giai đoạn 2016-2019, thành phố phấn đấu giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm và một phần của 5 lưu vực ngoại vi rộng 550 km2 thuộc lưu vực trung tâm, Bắc, Tây, một phần Đông Bắc, Đông Nam cho khoảng 6,5 triệu dân; đồng thời cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị. Trước mắt sẽ xử lý 17 tuyến đường còn ngập chưa được xử lý và 23 tuyến đường đã được xử lý bằng giải pháp tạm, nâng tổng số tuyến đường cần xử lý trong giai đoạn 2016 – 2020 là 40 tuyến đường.

Về giải pháp thực hiện, đối với nhóm giải pháp phi công trình, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố cho biết, sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc san lấp rạch trong các dự án phát triển đô thị, kiên quyết bắt buộc các nhà đầu tư phải thực hiện cải tạo rạch, xây dựng hệ thống thoát nước, hồ điều tiết; rà soát những vùng trũng thấp dễ bị ngập nước do mưa, triều cường để điều chỉnh quy hoạch theo hướng tạo không gian dành cho ngập nước. Đồng thời, thực hiện quy chế phối hợp việc vận hành liên hồ chứa Trị An, Dầu Tiếng, Phước Hòa trên lưu vực sông Đồng Nai-Sài Gòn; huy động các nguồn xã hội hóa để xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, các công trình hồ điều tiết, đê bao, các cống kiểm soát triều…

Trong khi đó, đối với nhóm giải pháp công trình, sẽ tập trung đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước theo quy hoạch; trong đó, nạo vét, cải tạo kênh Tham Lương- Bến Cát-rạch Nước Lên với chiều dài 32km với lưu vực 14.500ha; nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm dài 8,2km với lưu vực 703ha; xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao (nhà máy Bình Hưng – giai đoạn 2, Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tham Lương-Bến Cát, Tân Hóa-Lò Gốm, Tây Sài Gòn, Bắc Sài Gòn 1 và Bình Tân).

Trước mắt xây dựng 3 hồ điều tiết gồm Gò Dưa rộng 23ha (quận Thủ Đức), Bàu Cát rộng 0,4ha (quận Tân Bình) và Khánh Hội rộng 4,8ha (quận 4).

Về kế hoạch vốn đầu tư, theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước, giai đoạn 2016-2020 cần hơn 97.000 tỷ đồng. Hiện các dự án đã có nguồn và đang triển khai với kinh phí gần 23.000 tỷ đồng như dự án cải thiện môi trường nước thành phố – giai đoạn 2 và dự án nhà máy xử lý nước thải Tham Lương-Bến Cát.

Góp ý về giải pháp giảm, chống ngập, một số chuyên gia cho rằng, thành phố nên mở rộng các cửa sông nhánh, nạo vét các tuyến sông, rạch để hạ mực nước triều, xây dựng bể chứa ngầm, bể lọc thông minh dưới lòng vỉa hè do nhân dân và chính quyền địa phương đầu tư, tổ chức quản lý.

Còn theo đề xuất của Công ty Cổ phần bê tông và Xây dựng Thăng Long, nên xây dựng cống kiểm soát triều rạch Nước Lên (quận Bình Tân, huyện Bình Chánh) để ngăn triều và ngăn lũ; tiêu thoát nước mưa và giải quyết ô nhiễm khi triều ngoài sông thấp, kết hợp giao thông thủy.

Trong khi đó, Công ty Mục tiêu Môi trường EPT đề xuất giải pháp giảm đỉnh triều cao bất thường trong hệ thống sông Đồng Nai – sông Vàm Cỏ để phục vụ chống ngập cho thành phố. Sau khi xây dựng bờ kè, đỉnh triều tại trạm Phú An sẽ giảm từ 7cm đến 28cm, góp phần rất lớn trong công tác chống ngập cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thiennhien.net

  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.