Ngập lụt đô thị: Cần nhìn xuống dưới lòng đất

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/6/2016 | 5:31:30 Chiều

(capthoatnuocvietnam.vn) - Nhiều năm qua, các thành phố lớn của Việt Nam, trong đó có Hà Nội và TP.HCM, là những đô thị bị ngập úng thường xuyên và nghiêm trọng nhất.

Mặc dù đã có nhiều giải pháp, nhiều dự án được thi công, song tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều. Người dân TP.HCM và Hà Nội vẫn thường xuyên phải sống trong biển nước mỗi khi có mưa lớn, triều cường.

Tại Hà Nội, theo dự kiến, trong tháng 6 này dự án thoát nước giai đoạn 2 với chi phí nhiều nghìn tỉ đồng sẽ hoàn thành. Thế nhưng, trận lụt khuya ngày 24 và sáng 25.5 vừa qua, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Obama vừa rời đi để bay vào TP.HCM tiếp tục chuyến thăm Việt Nam, cho thấy vấn đề quy hoạch và triển khai quy hoạch thoát nước của Hà Nội là cực kỳ yếu kém.

Được khởi công từ năm 1998 và theo tiến độ phải hoàn thành năm 2013, dự án thoát nước Hà Nội sau khi hoàn thành có công suất tiêu thoát với những trận mưa có cường độ 310 mm/2 ngày.

Từ mức tổng đầu tư ban đầu hơn 6.000 tỉ đồng, nay đội giá lên 8.000 tỉ đồng, nhưng dự án đến nay vẫn chưa thi công xong. Nhiều hạng mục quan trọng liên quan đến thoát nước như xây dựng, cải tạo hệ thống sông, hồ điều hòa vẫn dở dang. Riêng hạng mục cải tạo hệ thống thoát nước trên các tuyến phố trong giai đoạn 1 đã xong, nhưng nhiều tuyến phố đã được cải tạo vẫn cứ mưa là ngập nặng.

Theo báo VnMedia, một số chuyên gia đô thị cho rằng, quy hoạch và thiết kế dự án thoát nước Hà Nội có nhiều điều phải bàn. Chẳng hạn lượng mưa ở Hà Nội thời gian qua chủ yếu từ 100mm đến trên 200mm/2 giờ, nhưng thiết kế công suất của dự án sau khi hoàn thành lại chỉ có thể tiêu nước với các trận mưa có cường độ 310mm/2 ngày, tương đương 25,8mm/2 giờ.

Như vậy dự án chưa xong thì đã lỗi thời so với thực tế mưa hiện nay. Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội KTS Việt Nam), quy hoạch ở đây phải được hiểu là quy hoạch gộp thoát nước và quy hoạch đô thị.

Từ trận ngập năm 2008, 8 năm sau tình trạng vẫn không được cải thiện nhiều dù đã thi công dự án thoát nước, có nghĩa là quy hoạch đô thị và quy hoạch thoát nước đã không đồng bộ. Trong trận lụt năm 2008, nhiều chỗ đất trống ở Cầu Giấy, Từ Liêm vẫn đầy nước cả tháng trời sau khi nội thành đã khô ráo, và đó là kết quả của các “ông” phụ trách quy hoạch Hà Nội giai đoạn 2000-2005.

Họ đã chia lô cấp dự án tràn lan vào vùng trũng ngập, lấp ruộng, lấp kênh mương, lấp không gian bán ngập… Cấp dự án xong, 5-10 năm sau người ta mới xây thế là hết chỗ chứa nước. Bây giờ các vị ấy về hưu rồi, những người đi sau gánh chịu nhiệm vụ ngày càng khó khăn hơn, tốn kém hơn… mà giải pháp thì không có gì mới hơn, cơ bản hơn.

Về quy hoạch đô thị, theo KTS Ánh, Hà Nội đang đứng trước nhiều thách thức mới: không chỉ mưa ngập mà còn là thiếu đường sá, cây xanh, không gian mặt nước… thiếu những yếu tố cơ bản để cân bằng sinh thái trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu khắc nghiệt xuất hiện sớm hơn dự báo.

Bên cạnh đó, đô thị nén đang là xu hướng tất yếu dẫn đến áp lực về cơ sở hạ tầng trong đó có thoát nước. Như vậy, Hà Nội cần một tầm nhìn mới chính xác hơn, đúng thực tế hơn, đúng nghĩa là tổng thể hơn trước những thách thức mới, chứ không thể chắp vá với bản quy hoạch tổng thể cũ. Bản quy hoạch mới này cần lồng ghép đồng bộ nhiều mục tiêu: gia tăng cây xanh, mặt nước, không gian công cộng an toàn, nâng cấp cảnh quan đô thị, kết hợp thoát nước với giao thông, thoát tự nhiên với thoát cưỡng bức, hạ tầng nổi và chìm, thủ công và tự động hóa…

Nhìn rộng ra, đồng bộ hóa quy hoạch thoát nước và quy hoạch đô thị không phải là chuyện của riêng Hà Nội mà còn là chuyện của TP.HCM, của hầu hết đô thị Việt Nam. Dường như khi quy hoạch đô thị, các nhà làm quy hoạch (và phần lớn người dân) chỉ nhìn thấy và tập trung vào những gì trên mặt đất, với xây dựng nhà cửa, chung cư cao tầng, trung tâm thương mại hoành tráng, đường sá giao thông... mà ít để ý đến những gì dưới lòng đất, đến cơ sở hạ tầng tiêu thoát nước sao cho đồng bộ với những gì mọc trên mặt đất.

Chưa nói đến tình trạng vì lợi ích trước mắt hoặc lợi ích của một nhóm nào đó mà quy hoạch xây dựng ở những vùng trũng chứa nước, xây dựng tự phát, phá vỡ mọi quy hoạch dù tốt đến đâu. Do đó mà chuyện ngập lụt, chuyện thoát nước đô thị ngày càng trở thành chuyện nan giải.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh “Định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050”. Theo định hướng đề ra, phấn đấu đến năm 2020 mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị đạt trung bình trên 70% diện tích bao phủ dịch vụ; mở rộng phạm vi phục vụ của các hệ thống thoát nước mưa tại các đô thị đạt trung bình trên 70%. 100% các tuyến đường chính trong đô thị, các tuyến đường nằm trong các khu đô thị, khu dân cư đều có hệ thống thoát nước mưa; giảm 50% tình trạng ngập úng trong mùa mưa ở các đô thị loại II trở lên.

Cũng theo định hướng nói trên, phấn đấu đến năm 2025, 50% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại II trở lên và 20% đối với các đô thị từ loại V trở lên được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường; mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị đạt trung bình trên 80% diện tích bao phủ dịch vụ; 100% các đô thị không còn tình trạng ngập úng thường xuyên trong mùa mưa. Và phải đến 2050, các đô thị mới được xây dựng đồng bộ và hoàn thiện hệ thống thoát nước; xóa bỏ tình trạng ngập úng tại các đô thị và toàn bộ nước thải được xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

Có nghĩa là từ đây tới đó người dân các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội vẫn còn phải sống chung với ngập lụt. Muốn chấm dứt cảnh thị dân cứ mỗi khi mưa xuống là lóp ngóp trong nước ngập, cần nhất là định hướng quy hoạch trên phải được thực hiện một cách thật đồng bộ và nghiêm túc.

                                                                                                 Theo motthegioi

  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.