Đồng Nai: Kiểm tra, xác minh phản ánh nước thải KCN gây ô nhiễm

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/6/2016 | 5:20:35 Chiều

(capthoatnuocvietnam.vn) - Ngay sau khi có phản ánh về Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp (KCN) Nhơn Trạch 1 gây ô nhiễm môi trường, cuối tháng 5/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đồng Nai đã phối hợp với Phòng TN&MT huyện Nhơn Trạch và UBND xã Hiệp Phước tiến hành làm việc với Công ty Phát triển đô thị và Khu công nghiệp IDICO để kiểm tra, xác minh vụ việc này.

Không thấy dấu hiệu nước thải của KCN thay đổi bất thường

Trên cơ sở kiểm tra, xác minh vụ việc phản ánh nêu trên, Sở TN&MT Đồng Nai cho biết: KCN Nhơn Trạch 1 đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 841/QĐ-MTg ngày 4/7/1997 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước số 2961/GP-UBND ngày 10/11/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai, lưu lượng xả thải 4.000 m3/ngày.đêm.

Hiện tại, Nhà máy xử lý nước thải KCN Nhơn Trạch 1 đã hoàn tất thi công, nâng cấp, cải tạo và đưa vào vận hành công trình xử lý nước thải sau khi nâng công suất xử lý nước thải từ 4.000 m3 lên đến 6.000 m3/ngày.đêm. Lưu lượng nước thải sau xử lý xả ra nguồn tiếp nhận vào thời điểm hiện nay dao động từ 4.300 m3 đến 5.500 m3/ngày.đêm. Ngày 25/3/2016, Cục Quản lý Tài nguyên nước đã tổ chức họp Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước cho Nhà máy xử lý nước thải KCN Nhơn Trạch 1, với lưu lượng xả thải vào nguồn nước 6.000 m3/ngày.đêm.

Nguồn tiếp nhận nước thải của Nhà máy xử lý nước thải KCN Nhơn Trạch 1 là mương thoát nước dẫn vào rạch Bà Ký và sau đó thoát ra sông Thị Vải. Tỷ lệ đấu nối của doanh nghiệp vào hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN Nhơn Trạch 1 đạt 100%. Qua theo dõi, trích xuất dữ liệu từ camera của trạm quan trắc tự động giám sát chất lượng nước thải sau xử lý của Nhà máy xử lý nước thải KCN Nhơn Trạch 1 từ đầu năm 2016 cho đến thời điểm kiểm tra cũng như khảo sát hiện trường để thu mẫu nước tại Nhà máy xử lý nước thải không thấy dấu hiệu thay đổi bất thường về màu sắc, mùi hôi thối bốc lên từ dòng chảy nêu trên.

Theo kết quả thử nghiệm nước thải tại 02 vị trí thu mẫu nước thải sau hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy xử lý nước thải KCN Nhơn Trạch 1 (tại mương đo lưu lượng và tại hố ga trước khi nước thải của KCN đổ vào hệ thống thoát nước chung của khu vực ấp 3, xã Hiệp Phước), phiếu kết quả thử nghiệm số 671/1-2DV ngày 6/6/2016 của Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường về chất lượng nước thải sau xử lý của Nhà máy xử lý nước thải KCN Nhơn Trạch 1, với 22 thông số đều đạt theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp - QCVN 40:2011/BTNMT, cột B, hệ số Kq = 0,9 và Kf = 0,9 (hệ số Kq căn cứ Quyết định số 35/2015/QĐ-UBND ngày 19/10/2015 của UBND tỉnh Đồng Nai về phân vùng môi trường tiếp nhận nguồn nước thải và khí thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai).

Chất lượng nước bị ô nhiễm từ nhiều nguồn thải khác nhau

Sở TN&MT Đồng Nai cho hay: Đoàn kiểm tra đã làm việc trực tiếp với người dân địa phương xác nhận “gần mương thoát nước này cho biết thêm là dòng nước trong mương thường đổi màu sang màu đen sẩm, bốc mùi hôi thối sau mỗi cơn mưa”. Vào thời điểm kiểm tra, lối thoát nước chung của khu vực dân cư là ấp 3, xã Hiệp Phước và nước thải của KCN Nhơn Trạch 1 (có đoạn là cống ngầm dài khoảng 150m và còn lại là mương hở dài khoảng 1.000m đến rạch Bà Ký), dòng nước trong không còn đen sẩm như trước đó đã phản ảnh.

Tại vị trí tiếp giáp cống ngầm và mương đất hở có nhiều rác sinh hoạt tồn tại trên bờ và dưới lòng mương thoát nước này và bốc mùi hôi thối. Đặc biệt, khu vực này có rất nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ), sản xuất kinh doanh quy mô hộ gia đình và nhà trọ công nhân. Theo đại diện UBND xã Hiệp Phước cho biết: khu vực ấp 3, xã Hiệp Phước có khoảng hơn 11.763 người dân sinh sống. Đoàn kiểm tra ghi nhận: có rất nhiều cống xả nước thải không qua xử lý triệt để đúng quy định từ hơn 900 cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà trọ công nhân, các cơ sở kinh doanh quy mô hộ gia đình đều xả nước thải vào mương thoát nước và nước thải chứa nhiều chất bẩn gây ô nhiễm môi trường.

Theo kết quả thử nghiệm nguồn nước thải tại 02 vị trí thu mẫu nước trong mương thoát nước chung của khu vực dân cư ấp 3, xã Hiệp Phước (nguồn nước thải gồm: nước mưa, nước thải sinh hoạt của khu dân cư ấp 3, xã Hiệp Phước và nước thải của KCN Nhơn Trạch 1), phiếu kết quả thử nghiệm số 671/3-4DV ngày 6/6/2016 của Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường về chất lượng nguồn nước trong mương thoát nước chung, với 22 thông số.

Tại 02 vị trí thu mẫu nước nêu trên đều có thông số Coliform vượt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp, còn lại 21 thông số đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải công nghiệp - QCVN 40:2011/BTNMT, cột B (hệ số Kq = 0,9 và Kf = 0,9). Tuy nhiên, giá trị nồng độ các chất ô nhiễm đều cao hơn so với toàn bộ nước thải sau xử lý của KCN Nhơn Trạch 1. Nếu so sánh với quy chuẩn chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT (nguồn nước loại B1) thì chất lượng nước từ hệ thống mương dẫn đế rạch Bà Ký đã bị ô nhiễm bởi các chất thải hữu cơ từ nhiều nguồn thải khác nhau.

Sở TN&MT Đồng Nai nhận xét, việc phản ánh về chất lượng nguồn nước của mương thoát nước từ KCN Nhơn Trạch 1 chảy qua khu dân cư thuộc ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch đổ ra rạch Bà Ký đang bị ô nhiễm là có cơ sở. Tuy nhiên, việc chỉ danh nguồn nước này bị ô nhiễm là do nước thải của một đối tượng  KCN Nhơn Trạch 1 là không đủ căn cứ để kết luận. Trên cơ sở kiểm tra, xác minh vụ việc nêu trên, Sở TN&MT Đồng Nai đã có Văn bản báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các Sở, Ban ngành có liên quan để kịp thời giải quyết những nội dung bức xúc của người dân sống khu vực này mà đã được phản ánh trong thời gian qua.

Theo báo tài nguyên môi trường

  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.