Kẹt xe, ngập nước ở TP.HCM: Chủ yếu do nguyên nhân chủ quan

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/12/2016 | 9:52:00 Sáng

(capthoatnuocvietnam.vn)- Đó là nhìn nhận của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại phiên khai mạc hội nghị Thành ủy TPHCM lần 8 diễn ra vào ngày 30/11.

Ảnh minh họa.

Ông Phong cho biết kinh tế TPHCM trong năm 2017 có nhiều điểm “sáng” như chỉ số tăng trưởng kinh tế (GNDP) đạt 1.037.625 nghìn tỷ đồng (46 tỷ USD), tăng 8,05% so với cùng kỳ. Đặc biệt, thu ngân sách năm 2016 ước đạt 303.816 tỷ đồng, đạt 101,8% kế hoạch trung ương giao và tăng 10,8% so với cùng kỳ.

 Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn thách thức do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Đơn cử như tình trạng ngập nước, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống người dân là do công tác quản lý chưa chặt chẽ, để tình trạng xả rác xuống kênh rạch, lấn chiếm, san lấp, xây dựng trái phép trên kênh rạch, cửa xả thoát nước gây tắc nghẽn dòng chảy.

Ùn tắc giao thông, dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, tình hình trật tự an toàn giao thông diễn biến phức tạp. Số người chết do cháy, tai nạn giao thông,… tăng so với cùng kỳ. Nhiều sở ban ngành, quận huyện phối hợp chưa tốt, năng lực cán bộ chưa đạt yêu cầu, ảnh hưởng tiến độ và chất lượng thi công.

Trong năm 2017, TPHCM đề ra 19 chỉ tiêu, trong đó GNDP tăng 8,4 - 8,7%, tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố gắn với cấu trúc lại nền kinh tế theo chiều sâu, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước và ô nhiễm môi trường.

Đối với chương trình giảm ùn tắc giao thông, TPHCM sẽ tổ chức phân luồng giao thông hợp lý hơn, nhất là tại các khu vực có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông và đầu tư xây dựng các công trình cầu vượt giải quyết tình trạng kẹt xe tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và vùng phụ cận. Thành phố sẽ hoàn chỉnh các dự án, công trình giao thông trọng điểm, khép kín đường vành đai, đường xuyên tâm, hướng tâm kết nối với các khu vực dân cư và khu đô thị.

“TPHCM sẽ đầu tư bến cảng thủy, nâng cao tĩnh không các cây cầu để tạo thuận lợi vận chuyển hàng hóa trên sông, góp phần giảm áp lực giao thông đường bộ”, ông Phong nhấn mạnh.

Người đứng đầu UBND TPHCM cũng cam kết sẽ tập trung thực hiện các dự án thoát nước, chống ngập từ nguồn vốn ngân sách, ODA, đối tác công tư, quỹ đất và kiên quyết xử lý tình trạng lấn chiếm trái phép hệ thống thoát nước gây tình trạng ngập úng khi mưa ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân.

Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, trong năm 2017, Quốc hội giao chỉ tiêu thu ngân sách cho TPHCM là 347.882 tỷ đồng, tăng 50.000 tỷ đồng so với năm 2016. Trong khi đó, tỷ lệ ngân sách Trung ương điều tiết để lại cho thành phố giảm từ 23% xuống còn 18%. TPHCM chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì dự báo tình hình kinh tế xã hội năm 2017 sẽ có nhiều khó khăn.   

“Đây là chỉ tiêu pháp lệnh. Thành ủy TPHCM đã có văn bản báo cáo Bộ Chính trị. Đoàn Đại biểu Quốc hội có văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng tinh thần là ngân sách Trung ương khó khăn nên TPHCM sẽ tiếp tục chia sẻ”, bà Tâm cho biết. 

Theo Tiền Phong

  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.