Bàn về Nước thải nhân Ngày nước Thế giới 22/3/2017 (Bài 2)

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/3/2017 | 9:48:21 Sáng

Trước những thách thức lớn về ô nhiễm do chất thải rắn, nước thải, khí thải công nghiệp chứa nhiều hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên và đời sống của người dân tại nhiều địa phương. Việc đưa ra các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước thải tại các khu công nghiệp đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.

NHỮNG THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP GIẢM THIẺU Ô NHIỄM NGUỒN NƯỚC THẢI TỪ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

 

 

Xử lý nước thải còn nan giải


Năm nay, Liên hợp quốc lấy chủ đề "Nước thải” cho Ngày nước Thế giới (22/3), nhằm kêu gọi việc giảm thiểu nước thải và tái sử dụng nước, tránh lãng phí và cải thiện vòng tuần hoàn nước cho các sinh vật sống, hướng đến thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Cụ thể là "đảm bảo đến năm 2030 việc tiếp cận nguồn nước sạch và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người thông qua việc giảm tỷ lệ nước thải chưa qua xử lý và tăng cường tái sử dụng nước an toàn”.


Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện cả nước đã có gần 300 khu công nghiệp và 615 cụm công nghiệp, trong đó có khoảng 70% khu công nghiệp và 5% cụm công nghiệp đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hàng năm, hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp và 630.000 tấn chất thải nguy hại phát sinh trên cả nước. 

 

Tuy nhiên, chỉ có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, phần lớn là bãi rác lộ thiên, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác và hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ, có nguy cơ phát sinh khí dioxin, furan… Tổng lượng nước thải các khu công nghiệp toàn quốc khoảng trên 3 triệu m3/ngày đêm, với 70% nước thải công nghiệp chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường đã gây hậu quả về môi trường ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã gây tác động lớn đến cuộc sống người dân và môi trường thủy sinh.

 


Đối với các khu công nghiệp, nguyên nhân chính là thiếu nhà máy xử lý nước thải, chủ yếu là do nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm và do cơ chế, chính sách, chế tài xử phạt còn chưa đủ mạnh. Nguồn vốn đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm về bảo vệ môi trường. Trạm xử lý nước thải khu công nghiệp chưa được thiết kế, vận hành đúng quy chuẩn, quy phạm với đầy đủ các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu, khắc phục sự cố. Việc xử lý và thải bỏ bùn, tái sử dụng, tuần hoàn nước thải, tận dụng nhiệt và các dòng năng lượng khác trong trạm xử lý nước thải và trong khu công nghiệp chưa được quan tâm.


Hơn nữa, chưa có sự đầu tư đúng mức cho phòng thí nghiệm, hỗ trợ vận hành và kiểm soát xử lý nước thải; chưa chú trọng đến việc chuẩn bị đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực tiếp nhận và vận hành trạm xử lý nước thải. Hiện tại việc giám sát, thanh tra, kiểm tra, quản lý xả thải của nước ta còn chưa rõ ràng, thiếu sự thống nhất. Các chức năng và trách nhiệm trong việc giám sát và quản lý xả thải từ khâu cấp phép đến khâu thanh gia, giám sát, xử lý hậu quả còn rất lúng túng, thiếu nguồn lực, công nghệ, thiếu sự phối hợp với địa phương và sự tham gia của người dân nên không phát hiện kịp thời các sự kiện, không kiểm soát kịp thời chất thải và công nghệ thải nên việc xử lý hậu quả kém hiệu quả. Đặc biệt, đối với các khu công nghiệp lớn và khu kinh tế ven biển, như vụ Formosa gần đây đã bộc lộ rõ các điểm yếu của vấn đề quản lý này.


Những giải pháp khả thi


Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Nguyễn Hồng Tiến cho rằng, xử lý nước thải là lĩnh vực đang được xã hội quan tâm, đặc biệt trước những thách thức lớn của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành điều chỉnh định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, nhiều điểm mới như phát triển hệ thống thoát nước an toàn, bền vững, quản lý tài nguyên theo lưu vực sông, tái xử lý nước thải, nước mưa, cũng như quản lý bùn thải, lựa chọn công nghệ thi công, công nghệ xử lý, cải tạo, sửa chữa hệ thống đường ống an toàn thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng…


Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, từng bước khắc phục tình trạng nói trên, trong thời gian tới các cơ quan quản lý Nhà nước cần tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường; xây dựng ý thức sinh thái, làm cho mọi người nhận thức rõ về vị trí, vai trò, mối quan hệ mật thiết giữa tự nhiên - con người - xã hội.


Tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường (thường xuyên, định kỳ, đột xuất); phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, nhất là giữa lực lượng thanh tra môi trường với lực lượng cảnh sát môi trường các cấp, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lí kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân. 


Mặt khác, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác môi trường; trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả hoạt động của các lực lượng này. Xây dựng các dự án quản lý môi trường một cách dài hạn, có hệ thống, kết hợp với các phương tiện và thiết bị phù hợp phục vụ quan trắc ô nhiễm nước, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào quan trắc môi trường, cảnh báo để theo dõi thường xuyên, cũng như xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.


Đối với các khu công nghiệp, cần có quy định bắt buộc các công ty đầu tư hạ tầng phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lí nước thải tập trung hoàn chỉnh mới được phép hoạt động, thường xuyên có báo cáo định kỳ về hoạt động xử lí nước thải, rác thải tại đó; chú trọng và tổ chức thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, trên cơ sở đó, cơ quan chuyên môn tham mưu chính xác cho cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc cấp hay không cấp giấy phép đầu tư.


Hơn nữa, việc quyết định các dự án đầu tư cần được cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích đem lại trước mắt với những ảnh hưởng của nó đến môi trường về lâu dài; thực hiện công khai, minh bạch các quy hoạch, các dự án đầu tư và tạo điều kiện để mọi tổ chức và công dân có thể tham gia phản biện xã hội về tác động môi trường của những quy hoạch và dự án đó. Đồng thời, các khu công nghiệp phải có các biện pháp nhằm giảm chất thải độc hại và khuyến khích đầu tư cho các biện pháp này. Chính phủ và các khu công nghiệp phải đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi, điều chỉnh và thực hiện các chính sách giảm thiểu các chất thải độc hại.


Để giải quyết bài toán nêu trên, yêu cầu đặt ra là phải có chính sách, kế hoạch cụ thể, lâu dài và điều quan trọng nhất là cần có sự chung tay của cả động đồng. Do đó, trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về tác động của ô nhiễm nguồn nước đến môi trường nhằm bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người dân.


Diệu Thúy (TTXVN/Tin Tức)
  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.