Bà Rịa - Vũng Tàu: Xây dựng hiệu quả các giải pháp xử lý môi trường tại các KCN
- Cập nhật: Thứ ba, 11/6/2013 | 9:00:12 Sáng
Xây dựng hệ thống xử lý nước thải, trồng cây xanh cách ly, lắp đặt trạm quan trắc tự động, phân loại rác tại nguồn…Đó là những giải pháp thiết thực nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong vài năm gần đây.
Xây dựng hệ thống xử lý nước thải
Ông Bùi Kế Nhàn, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trước đây, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh rất nghiêm trọng, bởi nơi đây tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các lĩnh vực có mức độ xả thải đổ ra sông Thị Vải và sông Dinh. Vài năm gần đây, môi trường tại các KCN đã được cải thiện đáng kể, nhờ có các nhà máy xử lý nước thải (XLNT) tập trung công nghệ cao, công suất lớn. Ngoài ra, các nhà máy còn đầu tư xây dựng đường ống dẫn khí, trạm quan trắc tự động… để bảo vệ môi trường.
Tại KCN Đông Xuyên (TP. Vũng Tàu) có diện tích 160ha, với 66 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: may mặc, cơ khí, chế tạo giàn khoan, cung ứng nhân lực, chế biến hải sản… Trước đây, hầu hết nước thải sản xuất và sinh hoạt của các doanh nghiệp này đều đổ trực tiếp ra sông Dinh. Từ khi xây dựng nhà máy XLNT với công nghệ SBR có công suất 3.000m3/ngày, đêm, có thể XLNT cho tất cả các doanh nghiệp đóng trên địa bàn KCN Đông Xuyên. Ông Trần Bảo Ân, Trưởng Phòng Quản lý hạ tầng KCN Đông Xuyên cho biết, từ khi có nhà máy XLNT, các doanh nghiệp nằm trong KCN chỉ phải đấu nối đường ống để xả nước thải về nhà máy XLNT, từ đây nhà máy sẽ xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Trồng nhiều cây xanh trong KCN
Chúng tôi đến Công ty TNHH Vietubes hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ren, gia công đường ống dầu khí giữa mùa cao điểm sản xuất. Các nhà máy, phân xưởng đang hoạt động hết công suất, nhưng đi dọc theo những tuyến đường nội bộ của công ty, không gian khá yên tĩnh. Ông Nguyễn Hữu Tắc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Vietubes cho biết, nhờ trồng cây xanh cách ly nên dù các nhà xưởng hoạt động hết công suất vẫn không nghe nhiều tiếng ồn. Trên diện tích 4ha, công ty dành khoảng 30% diện tích đất để trồng cây xanh, thảm cỏ. Ngoài ra, công ty còn có cả một “công viên” nhỏ trong KCN trồng các loại cây ăn trái và chăm sóc các loại thú nuôi nhằm tạo ra một không gian thư giãn mát mẻ… Ông Tắc cho biết thêm, Công ty Vietubes đã đầu tư xây dựng hệ thống XLNT cục bộ với công suất 15m3/ngày, đêm. Từ khi có hệ thống nhà máy XLNT tập trung nằm trong KCN Đông Xuyên, Vietubes đã lắp đặt hệ thống đường ống, đấu nối để xả nước ra nhà máy XLNT tập trung. “Không chỉ quan tâm tới việc XLNT, công ty còn rất chú ý tới việc xử lý rác thải. Trong khuôn viên của công ty luôn luôn có 2 thùng rác. Thùng màu xanh để đựng những chất thải thông thường, thùng màu đỏ đựng rác thải độc hại như cặn, bột sắt, dẻ lau dính dầu… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho người lao động để họ cùng chung tay bảo vệ môi trường trong KCN”, ông Tắc cho biết.
Tại Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí thép SMC (KCN Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành), chyên sản xuất thép tấm lá, xà gồ… dù lượng nước thải sản xuất và sinh hoạt không lớn (781 m3/tháng) nhưng công ty vẫn chấp hành việc đấu nối đường ống dẫn nước thải ra nhà máy XLNT tập trung trong KCN. Tuy nhiên, ở đây, lượng điện tiêu thụ hàng tháng lại chiếm sản lượng lớn với 28.300 Kwh/tháng. Ông Nguyễn Trình Bền, Phó Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí thép SMC cho biết: “Việc tiết giảm tiêu thụ điện năng không chỉ để tiết giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Những giải pháp tiết kiệm điện hàng ngày mà chúng tôi thực hiện là tắt bớt các thiết bị điện sản xuất khi không cần thiết, gắn đèn compact thay đèn sợi tóc, các trụ đèn chiếu sáng trong khu vực đường nội bộ đều có công tắc riêng, khi không cần thiết sẽ tắt hết...”.
Các tin khác
Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.
Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.
Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.