Hải Phòng: Quy hoạch thoát nước thải đến năm 2025

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/6/2018 | 9:48:49 Sáng

(tapchicapthoatnuoc.vn)- UBND TP Hải Phòng vừa phê duyệt Quy hoạch thoát nước thải đến năm 2025, tầm nhìn 2050. Khu vực đô thị trung tâm sẽ hình thành hệ thống 17 nhà máy xử lý nước thải ở 8 khu vực.

Quy hoạch thoát nước thải sinh hoạt đô thị trung tâm xác định đến năm 2025, lượng nước thải sinh hoạt và dịch vụ phát sinh ở khu đô thị trung tâm là 453.593 m3/ngày, đêm. Nguồn tiếp nhận nước thải là 3 sông: Bạch Đằng, Cấm, Lạch Tray và biển Đông ở lưu vực các quận Đồ Sơn và huyện Cát Hải. Quy hoạch chia đô thị trung tâm thành 8 khu vực với 17 lưu vực, mỗi lưu vực có một nhà máy xử lý nước thải (NMXLNT) tập trung công suất từ 710 m3/ngày, đêm. Riêng nhà máy XLNT khu vực đảo Vũ Yên 72.000 m3/ngày, đêm (giai đoạn 2 NMXLNT Vĩnh Niệm).

Theo quy hoạch, khu vực trung tâm thành phố gồm đô thị cũ các quận: Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An giới hạn bởi các sông Cấm, Lạch Tray, Tam Bạc và sân bay Cát Bi sẽ có 2 NMXLNT: Vĩnh Niệm và Hồ Đông. Trong đó, NMXLNT Vĩnh Niệm đang xây dựng theo dự án Thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn thành phố. Giai đoạn 1, nhà máy công suất 36.000 m3/ngày, đêm; giai đoạn 2 công suất 72.000 m3/ ngày, đêm, nguồn tiếp nhận nước thải sau xử lý là sông Lạch Tray. NMXLNT Hồ Đông quy hoạch ở phường Nam Hải, quận Hải An công suất hơn 63.000 m3/ngày, đêm.

Khu vực 2, 3 là đô thị phía Nam, Đông Nam thành phố gồm quận: Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn được quy hoạch 6 NMXLNT, trong đó có 3 nhà máy ở quận Dương Kinh; 3 nhà máy ở các quận Kiến An và Đồ Sơn. Khu vực 4 phía Tây Bắc thành phố gồm khu đô thị mới quận Hồng Bàng và đô thị Tây Bắc - An Dương, phía Tây sông Đào và sông Tam Bạc. Khu vực này quy hoạch 2 nhà máy tại huyện An Dương công suất gần 45.000 m3 đến 63.000 m3/ngày, đêm. Khu vực 5 là đô thị Bắc Sông Cấm, VSIP và thị trấn Núi Đèo quy hoạch 3 NMXLNT trên địa bàn huyện Thủy Nguyên công suất từ hơn 16.000 m3 đến hơn 30.000 m3/ngày, đêm. Khu vực 6,7,8 gồm đô thị Tràng Cát, đảo Vũ Yên và đảo Cát Hải được quy hoạch 4 nhà máy, công suất từ 710 m3 đến 17.000 m3/ngày, đêm.

Quy hoạch này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xử lý nguồn nước thải ngày càng tăng của Hải Phòng, đặc biệt là khu vực đô thị trung tâm. Quy hoạch được phê duyệt là cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và quản lý xây dựng quy hoạch được duyệt.

Các khu vực hình thành hệ thống NMXLNT, hạ tầng thoát nước thông qua xây dựng mạng lưới cống thoát nước, trạm bơm, mạng lưới thu gom. Ngoài hoàn thiện hệ thống phần cứng về hạ tầng, kỹ thuật, việc đào tạo nhân lực quản lý, vận hành thích hợp nhà máy XLNT, chuyển giao kỹ thuật từ các dự án xây dựng NMXLNT sử dụng vốn ODA như Nhà máy xử lý nước thải Vĩnh Niệm là rất quan trọng. Qua đó, bảo đảm xử lý nguồn nước thải sinh hoạt, dịch vụ trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Từ nay đến năm 2025, khi tiến hành đầu tư xây dựng đường phố mới, cải tạo mở rộng các đường phố cũ trong đô thị, sẽ bố trí đường cống thoát nước thải nằm ngoài hào và hệ thống đường ngầm để lắp đặt các hệ thống đường dây, cáp, đường ống kỹ thuật. Sau năm 2025, bố trí đường cống thoát nước thải nằm trong hào, đường ống kỹ thuật.

Các sở, ngành chức năng đề xuất lộ trình triển khai, lập các dự án đầu tư xây dựng NMXLNT và hệ thống cống, trạm bơm thoát nước thải. Các sở, ngành chức năng tham mưu bố trí vốn, huy động nguồn lực triển khai các dự án. Các địa phương dự kiến xây dựng NMXLNT theo quy hoạch, căn cứ quy hoạch bố trí diện tích đất, thực hiện giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch, tạo thuận lợi tối đa trong triển khai các dự án, bảo đảm tiến độ, thời gian hoàn thành hệ thống NMXLNT theo đúng quy hoạch từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Đăng Hùng (TN&MT)
  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.