Cấp thiết chỉnh trị dòng sông Quảng Huế để đảm bảo nguồn nước cho hạ du

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/6/2018 | 4:00:16 Chiều

(Tapchicapthoatnuoc.vn) - Trong những năm qua, biến đổi khí hậu cùng với các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đã tác động mạnh mẽ đến hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, làm biến đổi dòng chảy sông Quảng Huế gây ảnh hưởng rất lớn tới dân sinh và kinh tế xã hội hai địa phương trong lưu vực.

Cạn kiệt nguồn nước do phân lưu

Theo báo cáo Phân tích sự thay đổi thủy văn, dòng chảy của sông Quảng Huế của Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng , sau lũ 1999, sông Quảng Huế đã bị biến động mạnh nhất là hiện tượng cắt dòng, làm cho dòng chảy lũ sông Vu Gia đổ dồn vào sông Thu Bồn gây sức ép lớn và gia tăng ngập lụt cho hạ lưu sông Thu Bồn. Vào mùa khô, dòng chảy kiệt ít ỏi của sông Vu Gia cũng dồn đổ sang sông Thu Bồn làm cho hạ du sông Vu Gia và TP. Đà Nẵng bị thiếu nước nghiêm trọng.

Không những vậy, lòng dẫn sông chính và sông nhánh hạ du sông Vu Gia đang có dấu hiệu suy thoái, bị bồi lắng gây hạn chế chuyển tải lưu lượng về hạ du. Nước dồn sang sông Thu Bồn dẫn tới dòng chảy sông Vu Gia càng yếu, bùn cát lắng đọng càng nhiều, làm cho suy thoái lòng dẫn gia tăng.

Qua thống kê, từ sau năm 2010 hạ lưu sông Vu Gia luôn bị thiếu nước trong tất cả các mùa cạn, nhất là tại khu vực TP. Đà Nẵng. Đặc biệt, có năm bị thiếu nước, nhiễm mặn ngay cả trong mùa mưa (tháng 11, tháng 12 năm 2012). Theo đánh giá của một số nghiên cứu, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng này. Thứ nhất, do tác động của Thủy điện Đắk Mi 4 đi vào hoạt động đã chuyển gần một nửa lưu lượng trong mùa khô của sông Vu Gia về sông Thu Bồn để phát điện. Theo kết quả đo đạc và tính toán thì Thủy điện Đắk Mi 4 đã lấy đi trung bình hàng năm trong mùa cạn đến 1,2 tỷ m3 (trung bình 50,6 m3/s) nước của sông Vu Gia (theo tính toán của Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Đà Nẵng từ tài liệu thủy văn trên lưu vực sông Cái). Trong khi đó, các thủy điện khác bổ sung nước cho sông Vu Gia chỉ 500 triệu m3 (A Vương: 266 triệu m3, Sông Bung 4: 234 triệu m3) có nghĩa là sông Vu Gia trong mùa khô bị thiếu trung bình 700 triệu m3 so với điều kiện tự nhiên trước đây khi chưa có Thủy điện Đắk Mi 4.

Một nguyên nhân nữa là sông Vu Gia trong những năm gần đây lại xuất hiện sự thay đổi tỷ lệ phân lưu tại ngã 3 chia nước về sông Ái Nghĩa và sông Quảng Huế theo hướng bất lợi cho hạ du, tăng thêm nước về sông Thu Bồn và tiếp tục giảm nước sông Vu Gia - Ái Nghĩa.

Lũ lụt ở huyện Đạ Lộc (tỉnh Quảng Nam) hạ du sông Quảng Huế ngày càng nghiêm trọng


Lòng dẫn bị biến động mạnh

Trận Lũ lịch sử năm 1999, tại khu vực xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra hiện tượng cắt dòng trên bãi sông tạo thành lạch Quảng Huế mới. Cửa vào lạch Quảng Huế mới nằm tại vị trí cách ngã ba sông Vu Gia - Quảng Huế cũ khoảng 1.7km về phía thượng lưu.

Sau khi xuất hiện lạch sông Quảng Huế mới, cửa vào sông Quảng Huế cũ bị bồi lấp gần như hoàn toàn vào mùa kiệt. Sông Quảng Huế mới được hình thành ngày càng mở rộng gây xói lở mạnh khu vực ven sông, làm mất rất nhiều đất canh tác thuộc các thôn 8, 9, Ô Gia Bắc, Thanh Vân, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) và làm hư hại hệ thống điện 110KV của xã Đại Cường. Nhiều nhà cửa ven sông phải di dời. Nguồn nước cung cấp cho hầu hết hệ thống thuỷ nông, trạm bơm điện của các huyện phía Bắc tỉnh Quảng Nam bao gồm 4 đập dâng mới được nâng cấp của hệ thống An Trạch bị cạn kiệt. Trên 40 trạm bơm điện với hơn 150 máy bơm, đảm bảo tưới nước cho gần 10.000ha đất sản xuất nông nghiệp (Quảng Nam 8.000ha và TP. Đà Nẵng 2.000ha) và cấp nước phục vụ sinh hoạt cho các khu dân cư, khu công nghiệp của thành phố Đà Nẵng thuộc vùng hạ du sông Vu Gia không có nước để hoạt động. Vì vậy, cần thiết phải chỉnh trị đoạn sông Quảng Huế để điều hòa, phân phối lại dòng chảy trên sông Vu Gia.

Cho đến nay, mặc dù đã có nhiều công trình dự án được đầu tư nghiên cứu để giải quyết ổn định khu vực sông Quảng Huế và nâng cao hiệu quả chỉnh trị, tuy nhiên, tỷ lệ phân lưu trên sông Quảng Huế vẫn chưa đạt được như thời kỳ trước năm 1999. Thông qua một số kết quả nghiên cứu tính toán gần đây của các nhóm nghiên cứu Trường Đại học Bách khoa - ĐHĐN cũng như từ thực tiễn vận hành các công trình An Trạch và nhà máy nước Cầu Đỏ thì lượng nước về Đà Nẵng cũng như tỷ lê phân lưu vẫn chưa được cải thiện nhiều, do đó làm cho quá trình xâm nhập mặn vùng hạ lưu sông Đà Nẵng vẫn diễn ra thường xuyên đặc biệt là trong 2 năm 2015 và 2016. Mặt khác, có thêm sự tác động dòng chảy thượng nguồn khi các công trình thủy điện vào vận hành cũng ảnh hưởng đến dòng chảy về sông Vu Gia làm gia tăng quá trình xâm nhập mặn phía hạ lưu TP. Đà Nẵng.

Với tình hình này, việc nghiên cứu đánh giá toàn diện tại khu vực sông Quảng Huế và các công trình chỉnh trị đã xây dựng để xây dựng giải pháp điều tiết nâng cao lượng nước về hạ du sông Vu Gia phục vụ việc đẩy mặn, cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng, trong đó tập trung đánh giá lại hiện trạng hiện nay của công trình đập Quảng Huế với cao trình 2.3m khi xét đến sự vận hành liên hồ 1537/QĐ-TTg làm cơ sở để tìm giải pháp hợp lý nhằm nâng cao tỷ phân lưu dòng chảy về Vu Gia tại ngã 3 sông Quảng Huế là rất cần thiết.

Theo TN&MT

  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.