TP.HCM quyết tâm cải thiện môi trường các kênh, rạch
- Cập nhật: Thứ tư, 3/7/2019 | 3:22:47 Chiều
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý tình trạng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sông, kênh, rạch liên vùng… là những cách cơ quan chức năng đang làm để cải thiện các tuyến kênh rạch ở TP.HCM.
Nhiều năm qua, nhiều tuyến kênh rạch ở TP.HCM bị ô nhiễm nghiêm trọng. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều cơ sở sản xuất và người dân thiếu ý thức, xả rác thẳng xuống các kênh rạch mỗi ngày. Trước tình hình đó, các cơ quan ban ngành của TP.HCM đã có những động thái tích cực nhằm cải thiện tình hình ô nhiễm kênh, rạch trên địa bàn thành phố.
Nhiều con kênh đầy… rác
Ghi nhận thực tế tại Rạch Lăng, phường 12, quận Bình Thạnh (tuyến rạch Xuyên Tâm), rác thải rất nhiều dọc theo kênh. Đứng trên cầu Bùi Đình Túy, có thể thấy rõ mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Mỗi khi trời mưa lớn, nước kênh dâng lên thì rác và mùi hôi càng bủa vây khu dân cư dữ dội. Hiện số lượng kênh rạch ở TP.HCM bị ô nhiễm không nhỏ, kéo theo đó là rất nhiều hộ gia đình sinh sống quanh khu vực này phải chịu đựng cảnh "sống chung” với rác, mùi hôi…
Dòng kênh Rạch Lăng (Bình Thạnh) ngập ngụa rác và lục bình đang được các công nhân nạo vét, khơi thông dòng chảy (Ảnh: PHI NGUYỄN).
Một trong những nguyên nhân gây ra rác, mùi hôi ở đây là do nhiều người dân không có ý thức, cứ vô tư xả rác xuống kênh. "Tình trạng như vậy đã có từ lâu rồi. Các quán cà phê, quán nhậu… quanh đây cứ vứt rác trực tiếp xuống kênh. Không chỉ vậy, người ta còn lấn chiếm kênh rạch để buôn bán, rác làm ứ đọng nguồn nước, không khí hôi hám…” một người dân chia sẻ.
Vòng ra vùng ven, chúng tôi thấy nhiều người dân sống cạnh kênh Trần Quang Cơ (khu vực phường Hiệp Thành, quận 12) cũng đang chịu đựng mùi hôi của rác từ nhiều năm nay. Theo người dân ở đây, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở đây do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nhiều người dân không có ý thức xã rác thẳng xuống kênh. Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất xả chất thải chưa qua xử lý xuống kênh, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến kênh rạch bị tắc nghẽn, ô nhiễm.
Nhiều chương trình nhằm cải tạo kênh rạch
Bảo vệ, cải tạo và phát triển cảnh quan các tuyến kênh rạch trên địa bàn thành phố là một vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Nhận thấy tầm quan trọng đó, TP.HCM đã lồng ghép mục tiêu "Giảm thiểu mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt” vào các Chương trình Giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020; Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020 và các chương trình liên tịch ký kết giữa thành phố với các tỉnh giáp ranh với những giải pháp trọng tâm, như sau:
(1) Giai đoạn 2016 đến 2018: Thành phố đã cải tạo hệ thống thoát nước, nạo vét được 81,2 km sông, kênh, rạch với tổng 229 tuyến kênh. Vận động người dân tham gia nạo vét, khơi thông 193 tuyến kênh, rạch với chiều dài gần 60 km, góp phần làm thông thoáng dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường. Hiện đã giảm thiểu 21% tải lượng chất ô nhiễm thải vào nguồn nước mặt.
(2) Kêu gọi đầu tư dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, chuẩn bị đầu tư các dự án cải tạo rạchkhu vực nội đô, gồm: Bùi Hữu Nghĩa, Văn Thánh, Bà Tiếng, Liên Xã, Ông Búp… Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý tình trạng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sông, kênh, rạch liên vùng;
(3) Rà soát, tổ chức thực hiện, bố trí các điểm tập kết rác, hạn chế tình trạng xả rác bừa bãi gây tắc nghẽn dòng chảy;
Dòng kênh Rạch Lăng đang được dọn dẹp rác nhằm khơi thông dòng chảy (Ảnh: PHI NGUYỄN).
(4) Lồng ghép nội dung bảo vệ kênh rạch vào các đợt tập huấn cho lực lượng viên nồng cốt, phát động dọn dẹp vệ sinh, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh rạch nhân "Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn” hàng năm; phát hành tờ bướm tuyên truyền về bảo vệ kênh rạch;
(5) Thực hiện Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP.HCM đến năm 2020; đánh giá hiện trạng, dự báo diễn biến chất lượng kênh rạch với 112 điểm quan trắc chất lượng nước mặt thủ công và 12 trạm quan trắc tự động.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết: TP sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với khu dân cư, chung cư có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đồng thời, đôn đốc chủ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung theo đúng cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Ban hành cơ chế quản lý, xử lý các chung cư, khu dân cư đã bàn giao cho ban quản trị nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng không đạt quy chuẩn quy định về môi trường…, ông Thắng chia sẻ thêm. |
Các tin khác
Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.
Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.
Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.