Bí thư quận Hoàn Kiếm đề nghị cống hoá cả sông Tô Lịch
- Cập nhật: Thứ hai, 8/7/2019 | 4:43:54 Chiều
Đại biểu HĐND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn - Bí thư quận Hoàn Kiếm đề nghị xử lý ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch bằng cách… cống hoá cả con sông này và cho đây là “giải pháp bền vững”.
Thảo luận tại phiên họp HĐND Thành phố Hà Nội sáng nay (8/7), ông Dương Đức Tuấn, Bí thư quận Hoàn Kiếm cho rằng, đối với việc xử lý ô nhiễm môi trường sông hồ, vừa qua UBND TP đã có chủ trương tìm những giải pháp mới trong xử lý ô nhiễm sông hồ, đây là những dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, tồn tại thực trạng của hệ thống sông hồ với quá trình phát triển hiện "vô vùng phức tạp”, đòi hỏi sự tập trung chương trình, kế hoạch, nguồn lực.
"Đề nghị UBND Thành phố có thể nghiên cứu các giải pháp mang tính bền vững đảm bảo đa mục tiêu như có thể xem xét khả năng cống hoá đối với một số sông mà có tính chất kênh mương thoát nước, ngay cả như Tô Lịch, Kim Ngưu… điều này sẽ giảm thiểu việc xả thải, góp phần tăng thêm không gian công cộng, cây xanh và hạ tầng giao thông” - ông Dương Đức Tuấn nói. Theo ông Tuấn, hiện nay Hà Nội đang triển khai một số dự án hồ, "nhưng đánh giá tổng thế đề nghị UBND TP xem xét đến khả năng biện pháp mạnh hơn liên quan đến phát triển không gian”.
Trái ngược lại với ý kiến của Bí thư quận Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Minh Đức (đại biểu quận Thanh Xuân) cho rằng, giải quyết ô nhiễm các dòng sông, đặc biệt ưu tiên xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch thì trước hết là bổ cập nước cho dòng sông có nước chảy để giảm ô nhiễm trước mắt cũng như lâu dài.
"Năm 2006, Bộ trưởng Tài nguyên Mai Ái Trực có đưa ra giải pháp trước mắt nên cấp nước cho sông Tô Lịch được chảy, kể cả sau này chúng ta xử lý môi trường thì dòng sông cũng cần được chảy. Từ đó có thể tạo ra tuyến giao thông đường thuỷ” - đại biểu quận Thanh Xuân nêu ý kiến. Dẫn hai câu thơ xưa "Nước sông Tô vừa trong vừa mát, Em nghé thuyền đỗ sát thyền anh”, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, "ý tưởng bê tông hoá dòng sông là không nên vì đây còn là câu chuyện của địa lý, phong thuỷ, tâm linh”. "Đề nghị Thành phố trước mắt bổ cập nước cho sông Tô Lịch chảy sẽ giải quyết phần lớn ô nhiễm trước mắt” - đại biểu Nguyễn Minh Đức nói.
Liên quan đến vấn đề giải quyết ô nhiễm sông Tô Lịch, hôm qua 7/7, các chuyên gia Nhật Bản đã công bố kết quả thí điểm công nghệ Nano-Bioreactor phân hủy bùn hữu cơ thành khí CO2 và nước H2O được lắp đặt trên sông Tô Lịch (đoạn gần đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy).
Thí nghiệm được bắt đầu từ ngày 17/6 trên khoảng 70m2 mặt nước được quây sắt. Khu vực bùn cao hơn mực nước được đặt 4 tấm vật liệu Bioreator, lắp hệ thống phun mưa nano, lấy nước thải từ bên ngoài tạo dòng chảy lưu thông bên trong.
Sau hơn 2 tuần, độ dày lớp bùn trong khu quây sắt giảm từ 38cm - 48cm. Hàm lượng oxy hòa tan trong nước (DO) tăng mạnh và đạt 6.67 mg/l, đạt tiêu chuẩn cột A1 - quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về chất lượng nước mặt. Sau khi tắt hệ thống phun mưa nano trong vòng 3 tiếng, nước trong khu quây lắng xuống, đến gần có thể nhìn thấy đáy bùn và lớp váng trắng.
Tiến sĩ Kubo Jun, chuyên gia về môi trường của Nhật Bản nhận định, công nghệ Nano-Bioreactor đã khiến phân hủy tầng bùn đáy rõ rệt, hàm lượng oxy hòa tan tăng mạnh tạo môi trường tốt cho cá, thủy sinh phát triển.
Dự kiến kết quả dự án sẽ được công bố vào cuối tháng 7.
Thời gian qua, việc cống hoá các kênh, mương trong nội thành Hà Nội đã được thực hiện khá nhiều. Tuy nhiên, việc này chỉ giải quyết được "phần ngọn” là sự phát tán mùi ô nhiễm tại chỗ, còn nguồn phát thải ô nhiễm thì vẫn không được xử lý và lượng nước ô nhiễm này tiếp tục đổ dồn về các sông Tô Lịch, Kim Ngưu… Cùng với đó, việc sử dụng sai mục đích các mương cống hoá cũng diễn ra phổ biến, gây nhiều bức xúc trong dư luận người dân.
Đặc biệt, việc cống hoá các kênh, mương được cho là góp phần làm cho lượng nước mưa thoát chậm hơn, khiến gia tăng tình trạng ngập lụt trong Thành phố khi trời mưa lớn.
Xuân Hưng (vnmedia.vn)
Các tin khác
Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.
Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.
Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.