TP.Hồ Chí Minh tích cực triển khai nhiều dự án chống ngập

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/7/2019 | 2:02:43 Chiều

(Tapchicapthoatnuoc.vn)- Nhằm giảm thiểu những khó khăn khi ngập nước ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, TP. Hồ Chí Minh đang đồng loạt triển khai các dự án chống ngập. Nếu các dự án này được hoàn thành đúng theo tiến độ, hàng loạt điểm ngập nước ở thành phố cơ bản sẽ được xóa bỏ...

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết, hiện thành phố có 64 dự án thuộc danh mục đầu tư phát triển hệ thống thoát nước, giải quyết ngập do mưa và 2 chương trình đầu tư công với tổng mức đầu tư là 13.437 tỷ đồng.

Cụ thể, có 27 dự án chuyển tiếp, trong đó có 19/27 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả chống ngập cho các khu vực như: Quận 5, 9, Tân Phú, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Hóc Môn, Củ Chi, với tổng mức đầu tư là 1.843 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, 8/27 dự án đang triển khai thi công và sẽ hoàn thành trong năm 2019 và 2020 với tổng mức đầu tư là 1.275 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 21 dự án được phê duyệt năm 2017 và 13 dự án chuẩn bị đầu tư. Hiện thành phố đang hoàn thiện quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết phân tán để giảm ngập úng tại thành phố, sơ bộ xác định 103 vị trí cần đầu tư xây dựng hồ điều tiết.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, đến nay Thành phố đã triển khai nhiều dự án chống ngập. Cụ thể, với các tuyến đường ngập do mưa, Thành phố đã đầu tư hệ thống cống, cải thiện tình trạng ngập tại 22 tuyến, đạt 59,64% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020. TP đã hoàn thành 5 tuyến, đạt 55,56% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020, đang tiếp tục thực hiện 4 tuyến.

Các hạng mục chống ngập do triều gồm: các dự án do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 thực hiện, đã hoàn thành khoảng 75% khối lượng. Các dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị thực hiện (6 dự án): 2 dự án đang thi công, đạt 33,33% so với chỉ tiêu 2016-2020 và 4 dự án chưa triển khai thực hiện.

Thành phố cũng dự kiến hoàn thành Nhà máy xử lý nước thải và đi vào hoạt động trong quý I/2020, đồng thời  chuẩn bị khởi công 1 nhà máy trong năm 2019,  kinh phí đầu tư của các nhà máy này phụ thuộc khả năng kêu gọi vốn ngoài ngân sách.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố đang triển khai nhiều dự án chống ngập và phần nào đã phát huy hiệu quả. Trong những năm gần đây tình trạng ngập không nghiêm trọng như nhiều năm trước. Theo ông Ông Võ Văn Hoan, vấn đề chống ngập còn nhiều nan giải. Nguyên nhân chính là tình trạng đô thị hóa cao. Nhiều khu vực trước đây là đất trống, mưa xuống có thể thoát nước nhanh, nhưng đến nay đã bị bê tông hóa, nước mưa không có chỗ thấm xuống đất mà phải chảy ra hệ thống đường, cống, gây ngập.

"Tuy nhiên, để tình trạng ngập nước được giải quyết hiệu quả, TP cần thực hiện đồng bộ nhiều dự án, vừa phải cải tạo, nạo vét đối với hệ thống cống thoát; khơi thông, mở rộng dòng chảy cho các kênh, rạch dẫn về các sông chính… Đồng thời, cùng  với đó là xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm kênh, rạch xây nhà cửa mới giải quyết bài toán ngập một cách căn cơ” - Ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh./.

 
                                                                                             Chi Mai (cpv.org.vn)
  •  
Các tin khác

Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều phương pháp để xử lý nước thải, một trong các phương pháp cho thấy hiệu quả đó là sử dụng tháp Air Stripping. Đây là một công nghệ thích hợp để xử lý nước thải có nồng độ Amoni cao và có các thành phần độc hại khác trong nước thải rỉ rác, chế biến thủy sản, chăn nuôi, sản xuất cao su, sản xuất bột cá…

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Thành phố Hà Nội quyết tâm khơi thông dòng chảy sông Tô Lịch. Một việc khó và cần nhiều nguồn lực lớn.

Sở Xây Dựng TP.HCM vừa công bố báo cáo kết quả thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025, cùng kế hoạch thực hiện năm 2024-2025 gửi UBND TP.HCM.