Suối Hồng Líu- Điện Biên tràn lan dầu, gây bức xúc dư luận
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/6/2013 | 10:18:39 Sáng
Đã một tuần qua, (kể từ ngày 25/5) suối Hồng Líu, đoạn dài hơn 2 km chảy từ phường Noong Bua qua các tổ dân phố phường Mường Thanh, phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) trước khi đổ ra sông Nậm Rốm xuất hiện một lượng lớn dầu chảy theo dòng nước, ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân nuôi trồng thủy sản, hủy hoại môi trường tự nhiên của lưu vực lòng suối khiến người dân rất bức xúc.
Tại phân đoạn cống tràn suối Hồng Líu thuộc khu vực tổ dân phố 26, phường Mường Thanh (thành phố Điện Biên Phủ) dù đã trải qua nhiều trận mưa lớn nhưng màu nước vẫn nhuốm màu và pha lẫn váng dầu. Trên một diện rộng, cỏ cây xung quanh bị váng dầu bám chặt, đen kịt. Mặt nước lòng suối là những vệt dầu loang lênh láng. Vết dầu kẻ chỉ theo mực nước của suối vẫn hằn nguyên trên thân cống tràn. Tình trạng này đã hủy hoại môi trường tự nhiên hai bên dòng suối. Tại đây, nhiều diện tích rau màu (mùng, rau muống…) bị dầu bám đen đã héo rũ. Cá biệt, ở những nơi nước chảy mạnh, dễ dàng nhận ra một lượng lớn dầu đã bị sóng đánh dạt lên bờ. Cả khu vực có mùi hắc nồng khó chịu. Khi không chịu được mùi nồng nặc của dầu bốc mùi lên từ suối Hồng Líu, người dân sinh sống cạnh dòng suối, gần cống tràn đã phải túc trực mở cửa cống tràn để hi vọng dòng chảy mau chóng cuốn đi lượng dầu trong lòng suối. Tuy nhiên, sự nỗ lực của người dân vẫn vô vọng khi lượng dầu trên suối quá nhiều.
Bác Phạm Kim, tổ dân phố 26, phường Mường Thanh, cho biết: Tình trạng dầu váng như thế này xảy ra cách đây 6 ngày nay. Mấy hôm trước trời nắng nóng, oi bức chúng tôi có cảm giác khó thở, rất ngột ngạt. Những nhà nuôi trồng thủy sản, nếu không kịp thời đối phó thì thiệt hại là điều khó tránh khỏi. Cũng theo bác Kim: “Lượng dầu xả ra bao nhiêu không biết, nhưng hiện trường đã 6 ngày rồi mà váng dầu vẫn còn nhiều. Nếu cứ như thế này, ít nhất ra phải hàng tháng sau lượng váng dầu ở đây mới hết. Người dân chúng tôi cũng mong các cấp có thẩm quyền xử lý tình trạng ô nhiễm này để dân an tâm sinh sống”.
Theo nhiều người dân địa phương phản ánh thì nguyên nhân suối Hồng Líu ô nhiễm bởi lượng dầu thải ra này là do từ Trạm trộn áp phan của công ty TNHH Thương Mại và Xây Dựng số 6, đặt tại phường Noong Bua để thực hiện công việc thi công, xây dựng các tuyến đường dân sinh khu tái định cư Noong Bua- 1của dự án Di dân tái định cư thủy điện Sơn La gây nên.
Có mặt tại trạm trộn áp phan, chúng tôi được nhiều người dân phường Noong Bua cho biết thêm, lượng dầu làm ô nhiễm suối Hồng Líu là do chảy từ chiếc Téc dàu mà đơn vị thi công cho đặt ngay bên lề đường. Theo hệ thống cống thoát nước ngầm, lượng dầu chảy thẳng ra suối Hồng Líu và sau hành trình trình chảy hơn 2 km qua các phường Tân Thanh, Mường Thanh sẽ đổ thẳng ra sông Nâm Rốm lịch sử. Tại hiện trường, chiếc téc đã được vận chuyển vào trong khuôn viên khu thi công. Nơi đặt téc dầu vẫn còn vết tích dầu thải vương bám xung quanh lỗ cống, trên nền gạch hành lang vỉa hè.
Tại trụ sở công ty, biện minh về nguyên nhân suối Hồng Líu xuất hiện dầu, ông Bùi Đức Giang, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và xây dựng số 6 cho biết: “Cái này là do người ta tưởng téc dầu đựng dầu ma-zút nên họ lấy trộm, sau đó họ vặn vào nắp không chặt, chứ không phải dầu từ máy thải ra. Công ty đã quản lý không chặt, dẫn đến sự việc như thế”.
Cũng theo giải thích của ông Giang thì sự việc này xảy ra từ tối ngày 24/5, đến 19h ngày hôm sau (25/5) thì đơn vị mới nhận được thông tin phản ánh từ người dân, chính quyền phường và cho người đến tiến hành khóa van téc dầu. Ông Giang nói thêm: " Một vài lít dầu “rỉ” ra rồi nó trôi đi thì vớt lại không ai vớt được".
Nguyên nhân khiến suối Hồng Líu bị ô nhiễm là do “kẻ trộm sơ suất không khóa lại van téc dầu” hay người của Công ty cố tình thải ra vẫn chưa ai xác định. Nhưng tình trạng ô nhiễm cả đoạn dài con suối đã là sự thật hiện hữu cần được cảnh báo và xử lý nghiêm túc.
Các tin khác
Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.
Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.
Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.