Khánh thành Nhà máy xử lý nước thải tại thành phố Long Xuyên

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/10/2019 | 4:58:59 Chiều

Sáng 8/10, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tổ chức khánh thành Nhà máy xử lý nước thải thành phố Long Xuyên trị giá hơn 65 triệu USD.

Các đại biểu tham quan khu vực xử lý nước thải của Nhà máy xử lý nước thải thành phố Long Xuyên.

Dự án Nhà máy xử lý nước thải thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang) do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Korea Eximbank) được khởi công vào tháng 10 năm 2015. Nhà máy có công suất 30.000 m3/ngày đêm, đấu nối thu gom nước thải trực tiếp tại 2.566 hộ và đấu nối gián tiếp 213 hố ga tách dòng thu nước thải của 5.781 hộ với gần 65 km đường ống dịch vụ; tổng vốn đầu tư là 65,602 triệu USD (tương đương khoảng 1.344 tỷ đồng).
Vốn vay ODA từ Chính phủ Hàn Quốc là 46 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 19,602 triệu USD do Công ty Cổ phần điện nước An Giang làm chủ đầu tư.
Ông Lương Văn Bạ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Điện Nước An Giang cho biết, Nhà máy xử lý nước thải thành phố Long Xuyên áp dụng công nghệ Mương Oxi hóa tiên tiến, hiện đại, đảm bảo thích hợp với mọi loại nước thải theo mùa, thích hợp với điều kiện của địa phương.
Với quy trình thu gom và xử lý nước thải thông qua hệ thống đấu nối, lượng nước thải sinh hoạt, tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh dịch vụ từ các hộ gia đình thuộc 2 lưu vực phía Bắc và phía Nam của thành phố Long Xuyên sẽ được 8 trạm bơm chính và 12 trạm bơm phụ chuyển tải về 2 Nhà máy tương ứng tiếp nhận xử lý.
Qua 6 tháng vận hành chạy thử lượng nước thải thu gom hiện tại đạt khoảng 30% công suất thiết kế, mẫu nước tại 2 nhà máy được Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang) kiểm nghiệm đạt loại A theo QCVN 14: 2008.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Kim Jae Hwa, Trưởng đại diện Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc tại Hà Nội cho biết, thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc EDCF thuộc chương trình ODA, Hàn Quốc đã hỗ trợ 66 dự án tương đương khoản vay 2,63 tỷ USD cho Việt Nam - quốc gia hợp tác lớn nhất của Hàn Quốc.
Đặc biệt, Hàn Quốc còn phối hợp với các tỉnh của Việt Nam trong lĩnh vực cải thiện nguồn nước, hỗ trợ tín dụng cho 13 dự án cấp thoát nước với quy mô tài chính lên tới 350 triệu USD. Dự án xử lý nước thải thành phố Long Xuyên là dự án có quy mô lớn nhất; sau khi hoàn thành, hơn 30.000 m3 nước thải (ngày đêm) sẽ được Nhà máy xử lý nước thải thành phố Long Xuyên xử lý trước khi đưa ra sông suối. Bằng cách này sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo vệ môi trường.
Theo bà Kim Jae Hwa, việc khánh thành Nhà máy xử lý nước thải thành phố Long Xuyên sẽ góp phần thúc đẩy tình hữu nghị và niềm tin giữa Việt Nam và Hàn Quốc, đồng thời tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước trong tương lai.

Cắt băng khánh thành Nhà máy xử lý nước thải thành phố Long Xuyên. 

Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UNND tỉnh An Giang cho biết, Nhà máy xử lý nước thải thành phố Long Xuyên là dự án có tổng mức đầu tu cao nhất đã được hoàn thành trên địa bàn thành phố Long Xuyên. Ngoài việc góp phần giảm ô nhiễm môi trường, bệnh tật, tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân, đưa thành phố Long Xuyên trở thành đô thị loại I, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Long Xuyên và tỉnh An Giang, công trình còn có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần bảo vệ cộng đồng, bảo vệ nguồn nước sông Hậu để cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho các tỉnh, thành phố ở hạ nguồn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng yêu cầu, Công ty cổ phần Điện Nước An Giang phối hợp UBND thành phố Long Xuyên cùng với bà con nhân dân trong vùng dự án tiếp tục thực hiện công tác đấu nối hộ gia đình thu gom nước thải để tăng thêm lưu lượng nước thải về nhà máy xử lý, phát huy tính hiệu quả của dự án, phục vụ nhân dân.
  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.