Bình Phước: Xóm "nước nổi" giữa lòng thành phố Đồng Xoài
- Cập nhật: Thứ tư, 16/10/2019 | 11:17:18 Sáng
Tại khu vực thuộc tổ 6, khu phố Tân Trà 1, phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài (Bình Phước), gần 20 hộ dân phải sống trong cảnh ngập cục bộ từ hơn 3 tháng nay.
Đời sống sinh hoạt, đi lại vô cùng khó khăn, người dân vẫn đang trông chờ vào việc "giải cứu" xóm "nước nổi" từ ngành chức năng và chính quyền địa phương.
Dù không bị ảnh hưởng trận lũ lụt ngày 5/10 như các phường Tân Đồng, Tân Thiện,... tuy nhiên ở tổ 6, khu phố Tân Trà 1 lại gánh chịu ngập úng liên tục trong thời gian dài. Có những điểm ngập sâu trên 0,5 m, nước tràn vào nhà buộc người dân phải bỏ đi thuê trọ.
Theo những người dân sống lâu năm tại đây, khu vực này bị ngập là do đầu mùa mưa, phần đất ruộng bị người dân đổ đất lấp lại nên nước không có đường thoát.
Các chủ đất đổ ngay cống dẫn đến tình trạng nước không thể rút kịp sau mưa. Vì thế, dù trời mưa hay nắng thì trong hơn 3 tháng qua, địa bàn tổ 6 luôn ngập nặng.
Ông Nguyễn Đình Trị ở tổ 6 cho biết: "Từ đầu mùa mưa đến nay, khu vực này bị ngập úng nặng. Bà con phải mua nước lọc để sinh hoạt hàng ngày. Nhân dân tổ 6 mong muốn chính quyền các cấp nhanh chóng hỗ trợ, giúp đỡ bà con nước sạch để sinh sống. Giờ nước giếng để ăn uống không hợp vệ sinh nữa, sợ nhiễm bệnh lắm".
"Khu vực bị ngập trước kia có cống nước đi qua, thế nhưng trong năm nay, khu vực ruộng nối liền với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ đất đã đổ đất cao nên bít đường nước chảy, gây ngập úng. Bà con chúng tôi mong chính quyền địa phương cho xây dựng con mương theo dọc đường bê tông hiện tại", ông Trị cho biết thêm.
Còn gia đình bà Nguyễn Thị Mai, ở tổ 6 sống tại khu vực này từ năm 1977 cho biết, mỗi khi trời mưa là nước tràn lên mặt đường.
Hằng ngày, các thành viên trong gia đình đều phải cùng ăn, cùng ở trong cảnh nước ngập. Giờ đây, mọi vật dụng trong gia đình được kê lên cao để đối phó với ngập lụt.
Ngập úng lâu ngày làm cho khu vực này xuất hiện nhiều muỗi hơn, số người mắc sốt xuất huyết cũng tăng cao, nước giếng đục không thể sử dụng.
Bà Mai chia sẻ: "Cuộc sống từ đầu mùa mưa tới giờ khổ cực lắm. Mướn nhà trọ thì không có tiền, ở như vậy nấu cơm, nấu nước thấy nước hầm cầu, phân chuồng trôi lênh láng rất khó chịu. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng giúp đỡ bà con để thoát cảnh ngập úng".Từ khi bị ngập kéo dài, cuộc sống của các hộ dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đường bê tông do nước tụ lâu ngày nên bám rêu. Vì thế người dân đi lại dễ bị trượt té. Căn nhà của gia đình bà Lê Thị Minh trở nên xuống cấp.
Để giảm nguy cơ tai nạn giao thông, hằng ngày bà Minh đều lấy bàn chải chà rêu đoạn đường phía trước nhà. Bà Minh rất mong chính quyền địa phương làm cống thoát nước để không ô nhiễm môi trường.
Không chỉ thiếu nước sinh hoạt, sức khỏe người dân còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mùi hôi thối bao trùm.
Anh Bù Đức Sáng, tổ 6 cho biết, từ đầu mùa mưa đến giờ, người dân luôn sống trong nước ngập. Sau khi mưa phải hơn 10 ngày nước mới rút xuống.
Có những hộ bị ngập sâu cả tháng. Nước ngập khiến nhiều người ở đây bị bệnh. "Nhà tôi đã có 5 người bị sốt.
Nước ngập trong thời gian dài phát sinh rất nhiều bệnh từ sốt xuất huyết đến hô hấp, tiêu hóa. Ăn uống trên giường, sinh hoạt trên giường", anh Sáng chia sẻ.
Bên cạnh đó, tuyến đường chính cũng bị ngập cục bộ khiến việc đi lại của các học sinh gặp khó khăn.
Anh Đình Duy Thứ ở tổ 6 chia sẻ: "Tôi ở đây hơn 20 năm, chưa thấy tình trạng ngập cục bộ như thế này. Mỗi khi mưa, cả bánh xe của tôi bị ngập, nhất là các em đi học ngã lên, ngã xuống. Tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm giải quyết để khu vực này không bị ngập, giúp bà con đi lại, sinh hoạt được ổn định hơn".
Để khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương cùng các hộ dân cơ bản đã thống nhất phương án sẽ cắm mốc những phần đất nào thuộc đất công, nếu các hộ dân đã xây dựng công trình thì tự tháo dỡ, trả lại cho nhà nước.
Còn trong quá trình xây dựng liên quan đến hộ dân, chính quyền địa phương đề nghị các hộ dân hỗ trợ hiến đất để thuận lợi đấu nối các mương nước này với các trục chính.
Chủ tịch UBND phường Tân Bình Lê Duy Sinh cho biết: "Tại tổ 6, khu phố Tân Trà có tình trạng ngập cục bộ, nguyên nhân do trước đây khu vực này trũng thấp nên nước từ các phía đổ về. Trước đây, nước thông qua một số ao rồi ngấm dần trong lòng đất. Tuy nhiên, năm 2018, nhiều hộ dân san lấp mặt bằng, do đó khu vực này hiện nay nước không thoát được, gây ngập cục bộ".
"Ngập cục bộ tại khu vực này ảnh hưởng tới gần 20 hộ dân trong khu dân cư. Hiện nay chúng tôi đang xúc tiến, tham mưu UBND thành phố Đồng Xoài đầu tư hệ thống mương thoát nước đấu nối với đường Tôn Đức Thắng, đường 30 để khắc phục ngập úng. Ngoài ra, các cơ quan đã có phương án cắm mốc nhằm xác định đất công trên tuyến đường này để thu hồi làm hệ thống mương thoát nước, khắc phục ngập úng về lâu dài", ông Lê Duy Sinh cho biết thêm.
Lãnh đạo phường này cũng cho hay, thời gian tới sẽ làm việc với phòng, ban chuyên môn của thành phố Đồng Xoài và báo cáo lên UBND thành phố để có hướng xử lý sớm cho bà con.
Hiện người dân tổ 6, khu phố Tân Trà vẫn trông chờ từng giây, từng phút vào phương án của địa phương, mong muốn triển khai sớm nhất để xóm "nước nổi" thoát cảnh ngập úng, tránh bệnh tật gây ảnh hưởng đến tính mạng cũng như tài sản./.
Theo bnews.vn
Các tin khác
Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.
Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.
Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.