Kỳ vọng các công trình chống ngập hoàn thành năm 2020
- Cập nhật: Thứ hai, 3/2/2020 | 2:37:33 Chiều
Các công trình chống ngập ở TP.HCM đang được TP gấp rút đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trong năm 2020, góp phần giải quyết nhiều “rốn ngập”.
Một trong những dự án được chờ đợi hoàn thành trong năm 2020 là dự án nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), được khởi công từ đầu tháng 10-2019.
Ban dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP cho biết: Hệ thống thoát nước tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ được sửa chữa, xây dựng bổ sung hệ thống cống dọc tuyến thoát nước.
Cụ thể, đối với đoạn một, từ đường Tôn Đức Thắng đến hết ranh dự án cầu Thủ Thiêm, sẽ giữ nguyên hệ thống thoát nước hiện trạng. Đồng thời nâng cao miệng giếng thu, cải tạo cửa thu nước cho phù hợp cao độ mặt đường và vỉa hè. Hướng thoát nước sẽ thoát ra rạch Thị Nghè theo cửa xả hiện hữu tại cầu Thị Nghè 2.
Đoạn hai, từ cầu Thủ Thiêm đến hết phạm vi nút giao dưới dạ cầu Sài Gòn, sẽ được xây dựng hệ thống thoát nước mới dưới lòng đường, song song với hệ thống thoát nước cũ và liên kết hệ thống thoát nước hiện hữu qua các giếng thu.
Cùng với đó, xử lý lấp hủy các đoạn cống thoát nước cũ bị hư hỏng, đứt gãy không còn khả năng thoát nước. Hướng thoát nước được xả trực tiếp ra sông Sài Gòn.
Đặc biệt, mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ nâng cao đến 1,2 m so với hiện hữu. Dự kiến cuối năm nay công trình sẽ hoàn thành, khi đó người dân không phải chịu cảnh sống chung với ngập lụt mỗi khi mưa lớn, triều cường dâng tại khu vực này.
Hiện trường dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng. Ảnh: KIÊN CƯỜNG
Dự án 10.000 tỉ giải quyết bốn điểm ngập
Theo thông tin từ Công ty TNHH Trung Nam BT 1547, chủ đầu tư dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn một (viết tắt là dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng), thì hiện tại dự án đã hoàn thành được 77% khối lượng. Số công nhân toàn dự án lên đến 900 người, nhân sự gián tiếp - kỹ sư và quản lý là 200 người.
Khối lượng cụ thể từng hạng mục: Cống Tân Thuận đã triển khai thi công hoàn thiện âu thuyền, buồm bơm đã đổ bê tông bịt đáy, tường hướng thuyền đã thi công cọc, đang thực hiện thi công lắp van. Cống Phú Xuân đang thi công kè, mang cống, nạo vét - thảm rọ đá gia cố lòng sông…
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết trong năm 2020 TP sẽ giải quyết dứt điểm chín điểm ngập do triều cường, đạt kế hoạch đề ra, tính từ năm 2016.
Theo đó, năm 2016-2018 đã giải quyết bốn tuyến đường ngập là Lương Định Của, đường số 26, tỉnh lộ 10 và xa lộ Hà Nội.
Việc hoàn thành dự án bờ tả sông Sài Gòn, đoạn còn lại từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị Thủ Thiêm sẽ giải quyết ngập tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng.
Tuyến cống xây mới trên đường Nguyễn Văn Hưởng sẽ kết nối vào các tuyến cống thoát nước thuộc dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn hai). Dự án xây lắp cống thoát nước và nâng cấp trục đường Nguyễn Văn Hưởng tổng mức đầu tư hơn 165 tỉ đồng, hoàn tất trong năm 2020.
Cống Mương Chuối thi công bảo vệ bờ, sản xuất dầm mũ và đóng cọc, thảm/rọ đá cho phần sân cống và gia cố lòng sông, cọc thuyền và cầu công tác. Cống Cây Khô phần âu thuyền đang thi công tường-kè, thi công trụ tháp và dầm van, rọ đá và nạo vét, thi công kè thượng và hạ lưu bờ phải, nhà quản lý đã ép cọc đại trà.
Cống Phú Định phần âu thuyền đã thi công rút cừ và trụ tháp T2, đóng cọc thử trụ neo tàu, thi công hoàn thiện gờ lan can và sàn giảm tải của trạm bơm…
Theo Sở Xây dựng, dự kiến sau khi hoàn thành dự án này sẽ giải quyết ngập ở bốn tuyến đường: Huỳnh Tấn Phát, quốc lộ 50, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng TP cần ưu tiên đầu tư một số công trình chống ngập, trong đó ưu tiên số một là dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng.
Giải thích thêm, ông Cương cho biết đây là dự án có thể giải quyết căn cơ bài toán chống ngập do triều cường, biến đổi khí hậu cũng như do mưa lớn. Cụ thể, nếu làm được hệ thống đê bao chắn triều cường thì diện tích TP.HCM bị ngập do triều cường giảm đi rất nhiều, thậm chí có thể nói là sẽ giải quyết căn bản tình trạng ngập do triều cường.
Thi công xuyên tết
Trước đó, những ngày giáp tết Canh Tý 2020, trên công trường dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, các công nhân hối hả thi công. Những máy cẩu, máy xúc, máy khoan thi nhau làm việc.
Ghi nhận tại công trình quan trọng nhất của dự án - cống ngăn triều Tân Thuận (quận 7), công trường phía quận 4 được ngăn dòng, sâu xuống lòng sông vài chục mét đang có các máy đào, xúc đất, máy khoan thay nhau làm việc.
"Công đoạn này thường rất nhộn nhịp, đánh dấu thêm một giai đoạn tiến triển của dự án. Mấy cái trụ cọc bê tông với cốt sắt kia đang được máy bẻ xuống, chúng tôi làm những tấm lưới cốt thép và đổ bê tông lên” - anh Thủy, một công nhân trên công trường, cho biết.
Phía quận 7, âu thông thuyền đã dần thành hình, nếu đứng trên cầu Tân Thuận nhìn xuống, nơi kênh Tẻ chảy ngang sẽ thấy công trình đang xẻ ba lòng kênh, hai bên quận 7 và 4 là công trình được ngăn dòng sâu xuống lòng kênh. Ở giữa kênh vẫn chừa một đoạn để tàu thuyền di chuyển.
"Không những ban ngày, ban đêm chúng tôi vẫn tiếp tục làm các công việc như đục bê tông, dọn vệ sinh để đẩy nhanh tiến độ hơn nữa” - anh Nguyễn Văn Thắng, công nhân tại đây, chia sẻ.
Các tin khác
Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.
Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.
Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.