10 tỉ USD đầu tư vào lĩnh vực cấp thoát nước liệu có thành hiện thực
- Cập nhật: Thứ tư, 5/2/2020 | 2:47:05 Chiều
EuroCham cho rằng phần lớn chất thải tại Việt Nam không được phân loại ở cấp hộ gia đình và được thải tại bãi chôn lấp mà không qua xử lý.
Sự thiếu phối hợp trong quản lý chất thải có thể dẫn đến những vấn đề môi trường, kinh tế xã hội nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), mục tiêu hơn 10 tỉ USD đầu tư vào lĩnh vực cấp nước và thoát nước vào năm 2020 của Bộ Xây dựng là một mục tiêu tham vọng nhưng cũng đầy thách thức. Mục tiêu này sẽ khó đạt được trong thời gian ngắn nếu không kêu gọi đầu tư từ khu vực tư nhân.
EuroCham cho biết, giá nước sạch và xử lý nước thải còn quá thấp để các nhà đầu tư tư nhân xây dựng các doanh nghiệp có lợi nhuận tài chính. Hiện các quy định chưa thống nhất về việc có thu phí xử lý nước thải hoặc phí bảo vệ môi trường hay không.
Tiểu ban Tăng trưởng xanh thuộc EuroCham cũng kiến nghị thành lập một nhóm chuyên trách thực hiện hiệu quả các tiêu chuẩn về xử lý nước hiện nay; thống nhất các quy định còn mâu thuẫn về phí xử lý nước thải và phí bảo vệ môi trường để tránh tình trạng các quy định chồng chéo gây ra nhầm lẫn.
Cùng với đó là tập trung vào các khu công nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý vào môi trường và thực hiện các biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với doanh nghiệp vi phạm mang tính răn đe với các doanh nghiệp khác; chuyển sang mô hình tính giá theo nhu cầu sử dụng đối với xử lý nước thải. Đồng thời cần tạo điều kiện bền vững cho các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh nước.
EuroCham cũng nhận định việc xây dựng các công trình xanh tại Việt Nam hiện vẫn trong giai đoạn sơ khai với chỉ khoảng 40 công trình trong nước được cấp giấy chứng nhận công trình xanh, trong đó phần lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp. EuroCham kiến nghị minh bạch hóa hơn thời điểm đưa ra áp dụng chế độ định giá điện theo giá thị trường và loại bỏ trợ cấp.
EuroCham cũng đề cập đến việc quản lý chất thải và nền kinh tế tuần hoàn và cho rằng phần lớn chất thải tại Việt Nam không được phân loại ở cấp hộ gia đình, được thải tại bãi chôn lấp mà không qua xử lý. Sự thiếu phối hợp trong quản lý chất thải có thể dẫn đến những vấn đề môi trường, kinh tế xã hội nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống người
dân.
Cùng với đó, các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh không chỉ đang gây nguy hại môi trường và ảnh hưởng đến người dân ở khu vực xung quanh mà còn lãng phí nguồn nguyên liệu giá trị vốn có thể được tái chế hoặc sử dụng để sản xuất điện năng. Các tập đoàn đa quốc gia đang tự đề ra mục tiêu tái chế và sử dụng năng lượng tái tạo và họ cần khung pháp lý hỗ trợ thực hiện việc kinh doanh tại Việt Nam.
"Việt Nam có đánh thuế túi nhựa nylon, nhưng chính sách này chưa thực sự được thực thi hiệu quả. Các quyết định của Thủ tướng về giảm thiểu sử dụng túi nhựa và các hướng dẫn thực hiện có thể được mở rộng ra hạn chế việc sử dụng ống hút nhựa một lần, cốc, bao bì, dụng cụ, chai lọ và các sản phẩm nhựa không phân hủy khác”, EuroCham nêu, và cho rằng các quyết định này cần được triển khai hiệu quả trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, việc phân loại chất thải sinh hoạt ở cấp hộ gia đình cần được triển khai trên toàn quốc. Phân loại rác thải theo chất liệu giúp hạn chế ô nhiễm, giảm thiểu tối đa công đoạn phân loại thủ công rác thải tại các bãi chôn lấp.
Các doanh nghiệp kinh doanh xử lý chất thải theo quy định pháp luật cần được tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi; việc chấp hành các quy định liên quan cần được khuyến khích và khen thưởng; còn các các trường hợp vi phạm quy định về xử lý chất thải phải bị xử lý nghiêm
khắc.
"Chúng tôi đề xuất một tầm nhìn tích hợp cho tất cả các doanh nghiệp trong ngành xử lý chất thải, nhằm phát triển ngành này theo hướng tinh giản, chuyên nghiệp và được đào tạo bài bản; từ đó cung cấp đủ nguyên liệu tái sử dụng cho việc thành lập các nhà máy tái chế - mô hình hiện tại chưa có ở Việt Nam. Điều cấp thiết nhất hiện nay là thay đổi cách thức xả thải và xử lý chất thải. Nâng cao nhận thức về trách nhiệm và hành động đẹp cần được ưu tiên”, hiệp hội nhấn mạnh.
Các tin khác
Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.
Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.
Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.