TP HCM: Những con rạch âm thầm "mất tích"

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/2/2020 | 3:56:42 Chiều

Hàng chục con rạch đã lặng lẽ biến mất ở TP HCM khiến tình trạng ngập úng ở nhiều khu dân cư ngày càng trở nên trầm trọng.

Sau đợt triều cường đầu tháng 1-2020, ông Hồ Văn Bách (ngụ đường 53, phường Tân Quy, quận 7, TP HCM) bức xúc cho biết tình trạng ngập liên tục diễn ra ở khu vực nhà ông, tất cả là do con rạch phía sau nhà lặng lẽ mất dần theo thời gian.

Những câu hỏi đầy bức xúc

"Trận ngập vừa rồi đã khiến nhiều cây mai trồng bán Tết chết vì úng. Thiệt hại không quá nhiều nhưng cứ đà này thì không thể gầy dựng lại vườn mai được" - ông Bách nói và kể ngày trước, nhà ông giáp với hồ nước và hồ nước thông với con rạch phía sau nhà. Vì vậy, mưa lớn hay triều cường cao cỡ nào cũng không thể gây ngập úng. Thế nhưng, chuyện không ngập giờ đã là quá khứ. Giờ đây, mưa đổ xuống là ngập, nguyên nhân do con rạch thoát nước đấu nối vào ao năm nào giờ không còn, thay vào đó là những dãy nhà trọ cùng nhiều căn nhà tạm bợ mọc lên.

TP HCM: Những con rạch âm thầm mất tích - Ảnh 1.
Con rạch Bà Đen âm thầm mất tích đã khiến nhiều tuyến hẻm trên đường Cao Lỗ, quận 8, TP HCM thường xuyên ngập khi có mưa và triều cường

Dẫn chúng tôi ra phía sau con hẻm 103 đường 53, ông Bách chỉ tay vào một lỗ nhỏ bằng ngón chân nói: "Đây là đường thoát nước của cả trăm hộ dân nơi đây. Mặc dù có cống nhưng không thể nào thoát nổi vì đất ở đây trũng và bê-tông vây kín. Mưa lớn ngập, mưa nhỏ cũng ngập. Đến nay, chẳng ai biết người nào đang "đánh cắp" con rạch thoát nước. Câu trả lời xin nhường lại cơ quan chức năng".

Tương tự, các hộ dân sống tại khu Đồng Diều (phường 4, quận 8) dù tìm kiếm cả ngày vẫn không thể tìm được rạch Bà Đen. Đây là con rạch đấu nối từ rạch Sông Xáng vào cụm dân cư đường Cao Lỗ. Ông Võ Minh Tứ (73 tuổi) dẫn chúng tôi vào cuối con hẻm 37/75 Cao Lỗ vì cho rằng những căn nhà kiên cố cấp 4 vừa xây dựng là thủ phạm xóa sổ con rạch. "Năm ngoái, trước mùa mưa, chính quyền thường cho xe đến móc rác để khơi thông dòng chảy. Nhưng không hiểu sao giờ đây lấp lại, cho xây một căn nhà mới. Thật quá khó hiểu" - ông Tứ bức xúc nói.

Những bức xúc của ông Tứ là có cơ sở khi chúng tôi thu thập tư liệu bằng hệ thống hình ảnh vệ tinh từ Google Earth cho thấy năm 2015, nơi đây có một đoạn rạch nhỏ xung quanh cây xanh um tùm. Thế nhưng lúc này, hình ảnh mới nhất là những căn nhà mái tôn mọc kín, rạch đã "lìa đời".

Kể cả ngày cũng không hết

Khi có mặt tại xã Long Thới (huyện Nhà Bè), hỏi người dân về con rạch đã lặng lẽ mất tích, cả xóm ai cũng tranh nhau kể. Người chỉ con rạch Thới cạnh chợ Bà Chồi biến mất hơn 10 năm. Người nói con rạch thoát nước sau bưu cục, khu dân cư Nguyễn Văn Tạo đã không còn… "Người xưa thường nói không đâu rạch chằng chịt như Nhà Bè, nay xem ra đã không còn đúng nữa rồi. Giờ tìm mỏi mắt mới thấy được con rạch còn nguyên hình, nguyên dáng; số còn lại đa phần bị thay thế bằng nhà cửa. Xưa Nhà Bè mát mẻ bao nhiêu thì nay nắng nóng bấy nhiêu" - ông Thanh, cư dân xã Long Thới, than thở.

TP HCM: Những con rạch âm thầm mất tích - Ảnh 2.
Con rạch Bà Đen âm thầm mất tích đã khiến nhiều tuyến hẻm trên đường Cao Lỗ, quận 8, TP HCM thường xuyên ngập khi có mưa và triều cường

Ở quận Bình Tân, con rạch Bà Tiếng nằm trên đường Hồ Học Lãm từng một thời chằng chịt những con rạch nhỏ cắt ngang, nay rạch nhỏ "chết", rạch chính thu hẹp đến cả nửa. Mỗi đợt triều cường hoặc mưa lớn thì trên ứng dụng cảnh báo ngập của đơn vị chống ngập "điểm mặt" ngay vị trí này.

Ngoài những con rạch biến mất, hiện còn rất nhiều con rạch đang dần bị bức tử. Điển hình như rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) dài 2,4 km nhưng giờ hoàn toàn bị lấn chiếm suốt tuyến. Rạch Bà Láng (quận Bình Thạnh) bị thu hẹp một nửa và nhiều năm UBND quận Bình Thạnh vẫn chưa cưỡng chế; rạch Ba Tuy (quận Gò Vấp) bị nhà dân xây trên bờ rạch; rạch Tam Đệ, rạch Cây Me (quận 7) đang bị xóa sổ…

Đặc biệt, tại quận Thủ Đức, đến hôm nay cuộc chiến giành lại rạch Cầu Dừa của cư dân hẻm 55 đường Cây Keo (phường Tam Phú) vẫn chưa có hồi kết. Giữa năm 2017, một công ty bất động sản đã san lấp gần hết con rạch để triển khai khu dân cư mới. Từ đó, cứ triều cường là ngập lênh láng. Cư dân đã nhiều lần khiếu nại và UBND quận Thủ Đức đứng ra tổ chức đối thoại nhưng vẫn chưa ngã ngũ. Bà Trương Thị Bạch Hồng (ngụ 55B18 Cây Keo) cho biết khi thấy con rạch bị san lấp, người dân đã phản ánh và lên tiếng. "Thế nhưng, công trình lúc ngừng, lúc thi công và hậu quả là con rạch trước rộng 10 m nay chỉ còn 3-4 m" - bà Hồng bức xúc kể. Đúng như bà Hồng nói, theo ghi nhận của chúng tôi, con rạch Cầu Dừa hiện không còn hình hài xưa, trong đó có đoạn chật hẹp đến mức có thể nhảy từ bờ này sang bờ đối diện.

Theo Sở Xây dựng TP HCM, trong 10 năm qua, toàn TP HCM có 40 kênh, rạch, hơn 70 cống và gần 50 cửa xả bị lấn chiếm và "khai tử”.
 

Thật sự ám ảnh

Một nhân viên Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM cho hay từ lâu đã không thể trục vớt rác ở con rạch Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh). Bởi muốn vào được con rạch này rất khó vì nhà dân lấn chiếm, còn nếu chui xuống những căn nhà lấn chiếm để moi rác tích tụ lâu ngày sẽ rất nguy hiểm. "Nơi đây trở thành một bãi rác nhầy nhụa. Cách đây một năm, có tổ trục vớt rác đã suýt bỏ mạng vì kéo rác gây rung lắc nhà dân. Chúng tôi thật sự ám ảnh" - nhân viên này chia sẻ.

 

 

  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.