Quảng Ngãi: Chú trọng đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/11/2023 | 11:13:43 Sáng

Đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung để đảm bảo tiêu chí môi trường trong phát triển công nghiệp là yêu cầu đặt ra đối với tỉnh Quảng Ngãi hiện nay. Đây cũng là yếu tố quan trọng trong thu hút đầu tư, nhằm góp phần đảm bảo phát triển bền vững.

Hiện tại, tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh có 4 trạm xử lý nước thải tập trung. Đó là Trạm xử lý nước thải Phân khu công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất, Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Quảng Phú, Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Tịnh Phong (ngân sách đầu tư) và Trạm xử lý nước thải KCN VSIP Quảng Ngãi (do Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi đầu tư, vận hành). Các trạm xử lý nước thải KCN Quảng Phú và Phân khu công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất do Công ty TNHH MTV Đầu tư, Xây dựng và Kinh doanh hạ tầng Quảng Ngãi (QISC) quản lý, vận hành; Trạm xử lý nước thải KCN Tịnh Phong do Trung tâm Kỹ thuật quan trắc môi trường (Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh) vận hành.

Trong đó, Trạm xử lý nước thải Phân khu công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất được đầu tư, đưa vào hoạt động năm 2003; công suất xử lý đạt 2.500 m³/ngày, đêm. Trạm được lắp đặt công nghệ hiện đại, có chức năng thu gom và xử lý toàn bộ nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp trong phân khu công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất. Tuy nhiên, vì đầu tư cách đây 20 năm, lại không được cải tạo nâng cấp nên hiện tại không thể đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải của các doanh nghiệp (DN). Nhiều DN tại đây quá trình hoạt động có nhu cầu nâng công suất, mở rộng quy mô nhưng không được chấp thuận, do hệ thống xử lý nước thải không đồng bộ.

Còn Trạm xử lý nước thải KCN Quảng Phú, được đầu tư và đưa vào hoạt động năm 2010. Trạm có công suất xử lý đạt 6.000m³/ngày, đêm, thu gom và xử lý nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp trong KCN Quảng Phú, đảm bảo nước thải sau khi xử lý đạt cột B theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5945:2005. Tuy nhiên, theo đánh giá hiện nay của đơn vị chủ quản, trạm chỉ có năng lực đấu nối, tiếp nhận và xử lý khoảng 50% nước thải của các nhà máy, xí nghiệp. Nhiều năm qua, các nhà máy chế biển thủy sản tại KCN Quảng Phú đề nghị đơn vị quản lý cho phép đấu nối, xử lý nước thải nhưng không được giải quyết do trạm xử lý nước thải này quá tải. Do vậy, trong quá trình hoạt động, các nhà máy, xí nghiệp đã phát tán mùi hôi, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở gần KCN.

Đối với Trạm xử lý nước thải KCN Tịnh Phong, vừa đưa vào vận hành giai đoạn 1, đấu nối, tiếp nhận, xử lý nước thải cho khoảng 50 DN. Hiện vẫn còn một số DN chưa được phép đấu nối, do vượt quá công suất thiết kế. Riêng Trạm xử lý nước thải KCN VSIP, công suất 7.000m3/ngày, đêm, nhưng hiện đang được nâng lên 12 nghìn m3/ngày, đêm mới có thể đáp ứng nhu cầu của các nhà máy, xí nghiệp.

Hệ thống xử lý nước thải tại Khu Công nghiệp Quảng Phú.
Hệ thống xử lý nước thải tại Khu Công nghiệp Quảng Phú.
 
Theo quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045, để đảm bảo điều kiện thu hút đầu tư, Quảng Ngãi cần khẩn trương đầu tư các trạm xử lý nước thải tập trung. Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường KKT Dung Quất đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; đồng thời điều chỉnh, bổ sung mạng lưới quan trắc môi trường KKT Dung Quất. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, mang yếu tố quyết định đến việc triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước trong phát triển KKT Dung Quất. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tỉnh phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung thì mới đảm bảo đủ điều kiện thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất.

Mới đây, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã tổ chức Hội thảo xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Các chuyên gia cho rằng, tỉnh cần quan tâm đầu tư hạ tầng thoát nước thải theo hướng đồng bộ, hiện đại, đủ năng lực tiếp nhận, xử lý nước thải công nghiệp các nhà máy, xí nghiệp. Đó là điều kiện cần và đủ để có thể khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm này. Xu thế hiện nay, việc tham gia sâu rộng hội nhập kinh tế thế giới đòi hỏi sản phẩm của DN phải thân thiện với môi trường. Nếu môi trường không đảm bảo thì DN sẽ không đầu tư, vì sản phẩm làm ra sẽ không đủ điều kiện tham gia thị trường.

Phó Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Đàm Minh Lễ cho biết, ban quản lý đang đánh giá xu thế, diễn biến chất lượng môi trường trên địa bàn KKT Dung Quất. Đồng thời, hoàn chỉnh danh mục các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện thời kỳ 2023 - 2030, định hướng đến năm 2045; cập nhật mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn KKT Dung Quất phù hợp với quy hoạch quốc gia. Từ đó đề ra chiến lược bảo vệ môi trường thích hợp. Trước mắt là tranh thủ các nguồn lực nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải hiện có; đầu tư thêm trạm xử lý nước thải tại khu vực chưa có, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của DN.

AN NA/MT&ĐT
  •  
Các tin khác

Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều phương pháp để xử lý nước thải, một trong các phương pháp cho thấy hiệu quả đó là sử dụng tháp Air Stripping. Đây là một công nghệ thích hợp để xử lý nước thải có nồng độ Amoni cao và có các thành phần độc hại khác trong nước thải rỉ rác, chế biến thủy sản, chăn nuôi, sản xuất cao su, sản xuất bột cá…

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Thành phố Hà Nội quyết tâm khơi thông dòng chảy sông Tô Lịch. Một việc khó và cần nhiều nguồn lực lớn.

Sở Xây Dựng TP.HCM vừa công bố báo cáo kết quả thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025, cùng kế hoạch thực hiện năm 2024-2025 gửi UBND TP.HCM.