Từ 1/1/2024: Tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tại TP.HCM sẽ tăng 5%

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/12/2023 | 4:35:17 Chiều

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) vừa cho biết từ ngày 1-1-2024, tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tại TP.HCM sẽ tăng 5% so với năm 2023.

Theo Sawaco, việc thu hộ này được thực hiện theo lộ trình đã được UBND phê duyệt tại Quyết định số 17/2021 vào 1.6.2021 về ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải giai đoạn 2022 - 2025. Giá dịch vụ này trước đây gọi là phí bảo vệ môi trường.

Cụ thể, giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tại TP.HCM năm 2022 bằng 15% giá nước sạch, năm 2023 tăng lên 20%, năm 2024 là 25% và đến năm 2025 là 30%.

Như vậy, từ 1.1.2024, nếu một hộ gia đình mỗi tháng sử dụng hết 100.000 đồng tiền nước sạch thì sẽ phải đóng 25% giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, tương ứng 25.000 đồng. 


Từ 1/1/2024 tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tại TP.HCM sẽ tăng 5%. Ảnh minh hoạ

Cũng trong năm 2024, người dân sẽ phải đóng thuế giá trị gia tăng (VAT) theo quy định mới tại Nghị quyết 110/2023/QH15, đồng nghĩa trong phí dịch vụ này sẽ tính thêm VAT với mức 8% trong 6 tháng đầu năm 2024 và tăng lên 10% vào 6 tháng cuối năm.

Sawaco cho biết sẽ có thuyết minh cụ thể trên hóa đơn tiền nước tại hệ thống dữ liệu khách hàng và hóa đơn để giải đáp rõ hơn thắc mắc của người dân. 

Hiện nay, giá nước sạch ở TP.HCM theo định mức thấp nhất cho hộ gia đình sử dụng 4 m3 /người/tháng là 6.700 đồng/m3, định mức 4 - 6 m3 là 12.900 đồng/m3; từ 6 m3 trở lên là 14.900 đồng/m3. Đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể giá 13.000 đồng/m3. Đơn vị sản xuất áp dụng giá 12.100 đồng/m3. Đơn vị kinh doanh, dịch vụ giá 21.300 đồng/m3.

Dựa theo quy chuẩn tính toán của Nghị định 80 và các quy định của Bộ Xây dựng, TP.HCM đã tính toán lộ trình giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải bắt đầu áp dụng từ năm 2022. Mức thu giá này nhằm mục đích từng bước đáp ứng được nhu cầu duy tu bảo dưỡng hệ thống thoát nước; vận hành, bảo trì các trạm bơm, nhà máy xử lý nước thải; từng bước bù đắp chi phí khấu hao xe, máy móc, thiết bị, nhà xưởng, công trình được đầu tư để phục vụ công tác thoát nước và xử lý nước thải đô thị.

MINH TUẤN
  •  
Các tin khác

Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều phương pháp để xử lý nước thải, một trong các phương pháp cho thấy hiệu quả đó là sử dụng tháp Air Stripping. Đây là một công nghệ thích hợp để xử lý nước thải có nồng độ Amoni cao và có các thành phần độc hại khác trong nước thải rỉ rác, chế biến thủy sản, chăn nuôi, sản xuất cao su, sản xuất bột cá…

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Thành phố Hà Nội quyết tâm khơi thông dòng chảy sông Tô Lịch. Một việc khó và cần nhiều nguồn lực lớn.

Sở Xây Dựng TP.HCM vừa công bố báo cáo kết quả thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025, cùng kế hoạch thực hiện năm 2024-2025 gửi UBND TP.HCM.