Nghi Xuân (Hà Tĩnh): Khổ vì hồ nuôi tôm gây ô nhiễm
- Cập nhật: Thứ ba, 7/4/2020 | 11:25:18 Sáng
Nhiều năm nay, người dân xã Xuân Phổ (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) khổ sở vì nước thải của các hồ tôm trên địa bàn với mùi hôi tanh nồng nặc, nguồn nước bị ô nhiễm…
Xử lý xong, đâu lại vào đấy
Sau khi nhận được phản ánh của người dân xã Xuân Phổ, PV Báo Gia đình & Xã hội đã có mặt tại địa phương. Tại đây, nhiều hồ nuôi tôm đang xả chất thải ra môi trường khiến những khu vực xung quanh bị ô nhiễm. Trong số những hồ nuôi tôm trên có cơ sở của ông Nguyễn Viết Khánh (trú TP Vinh, Nghệ An).
Được biết năm 2013, huyện Nghi Xuân cho ông Trần Huy Linh ở Nghệ An thuê 2,2ha đất tại thôn Phúc An (xã Xuân Phổ) để đầu tư nuôi tôm, thời hạn 20 năm. Đến năm 2018, ông Linh cho ông Khánh thuê lại.
Theo phản ánh của người dân, cơ sở nuôi tôm này thường xuyên xả thải gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù các cấp chính quyền đã kiểm tra và xử lý, nhưng tới nay tình trạng này vẫn tiếp diễn.
Bình lọc nước của người dân một tháng phải thay một lần
Được sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tiếp cận khu vực xả thải của hồ nuôi tôm. Theo đó, bể này được cắm các ống xả thải. Khi bể đầy, nước thải sẽ chảy qua ống xuống hệ thống kênh mương, rồi đổ ra biển. Đi dọc các con mương có thể nhận thấy dòng nước màu đen có váng bọt, mùi bốc lên rất tanh, hôi.
Anh Trần Xuân Hùng (trú tại thôn Phúc An) cho biết: "Khi chưa có những cơ sở nuôi tôm, không khí ở đây trong lành lắm, nước biển lại sạch sẽ. Từ khi họ về đây khai thác sản xuất, cuộc sống chúng tôi như đảo lộn, suốt ngày phải ngửi mùi hôi thối. Chúng tôi đã kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng vụ việc vẫn chưa được xử lý triệt để".
Bà Trần Thị Tam, một người dân sống ở gần hồ nuôi tôm cho biết: "Ngày trước nhà tôi dùng nước giếng khơi, nguồn nước luôn trong và ngọt. Nhưng 10 năm nay, từ ngày người ta nuôi tôm thì nguồn nước không còn được như thế nữa. Gần đây, bên môi trường có về kiểm tra nguồn nước thì bảo nước bị nhiễm phèn và gia đình đã mua máy lọc để đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên do nước đã bị nhiễm phèn quá nặng nên chỉ một tháng là nhà tôi lại phải thay cục lọc một lần. Chúng tôi đã nhiều lần gửi kiến nghị lên chính quyền rồi. Họ có xử lý nhưng được một thời gian lại đâu vào đấy...".
Bà Trần Thị Vinh (ở địa phương) nói: "Gia đình tôi không chịu được nữa, ngồi ăn cơm mà muỗi vây kín. Cứ trở trời là mùi hôi thối bốc lên, gió từ biển thổi vào cũng hôi không thể nào chịu nổi. Nhà ai cũng phải dùng máy lọc nước...".
Cần "mạnh tay" vào cuộc xử lý
Nước xả thải của hồ tôm gây ô nhiễm.
Về thực trạng này, ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch UBND xã Xuân Phổ thừa nhận có tình trạng các hồ nuôi tôm trên địa bàn gây ô nhiễm như người dân đã phản ánh. "Nhận được phản ánh của người dân, xã cũng đã nhiều lần xuống cơ sở nhắc nhở và xử phạt hành chính các hồ nuôi tôm gây ô nhiễm tuy nhiên tới nay họ vẫn chưa thể khắc phục. Phải thừa nhận rằng để xử lý dứt điểm thì xã không thể làm được vì điều này vượt quá thẩm quyền. Tuy nhiên nếu các cơ sở tiếp tục gây ô nhiễm, chính quyền sẽ đề xuất lên Phòng TN&MT huyện Nghi Xuân để có phương án xử lý triệt để nhất", ông Ngọc Anh khẳng định.
Các tin khác
Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.
Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.
Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.