Đồng Nai giám sát chặt các nguồn xả thải lớn

  • Cập nhật: Thứ bảy, 11/4/2020 | 9:48:02 Sáng

Ngoài hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp (KCN) yêu cầu bắt buộc phải có thiết bị giám sát nước thải tự động, Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước yêu cầu doanh nghiệp có nguồn xả thải trên 1 ngàn m3/ngày lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải kết nối với Sở TN-MT để giám sát 24/24 giờ.

Ảnh minh họa. ITN
 
Sở TN-MT cho biết, hiện nay tổng lượng nước thải phát sinh thực tế tại 31 KCN trên địa bàn là khoảng 120.600m3/ngày. Trong đó, 1.223 doanh nghiệp đã thực hiện đấu nối hệ thống xử lý nước thải về khu xử lý nước thải tập trung của các KCN với lưu lượng nước thải phát sinh khoảng 91.100m3/ngày. Còn lại 51 doanh nghiệp tự xử lý nước thải theo quy định, trong đó 35 doanh nghiệp xả thải theo giấy phép xả thải với lưu lượng khoảng 29.300m3/ngày. Hiện trên địa bàn tỉnh còn 9 doanh nghiệp xả thải với lưu lượng 185m3/ngày nhưng chưa đấu nối với KCN gồm: 3 doanh nghiệp tại KCN Ông Kèo và 6 doanh nghiệp tại KCN Thạnh Phú.

Theo Sở TN-MT, ngoài giám sát chất lượng nước thải tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung của 31 KCN đang hoạt động trên địa bàn, định kỳ 2 lần/năm, sở, đơn vị liên quan kiểm tra việc thu gom, đấu nối nước thải của những doanh nghiệp trong KCN.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ nước thải tại các KCN trên địa bàn, tỉnh đã giao Sở TN-MT rà soát đơn vị sản xuất, kinh doanh có lưu lượng nguồn thải lớn yêu cầu lắp đặt trạm quan trắc môi trường tự động, kết nối dữ liệu về Sở TN-MT nhằm theo dõi, giám sát liên tục 24/24 giờ. Đến nay, 17/17 doanh nghiệp có quy mô xả thải trên 1 ngàn m3/ngày (không bao gồm chủ đầu tư các KCN) đã thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải và truyền dữ liệu về Sở TN-MT phục vụ yêu cầu giám sát liên tục.

Ông Võ Văn Chánh cho rằng, quan điểm của Đồng Nai là phát triển nhưng không đánh đổi về chất lượng môi trường. Theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, quy định 6 nhóm đối tượng phải thực hiện quan trắc tự động nước thải, quy định quy mô xả thải được tính theo công suất thiết kế của hệ thống xử lý nước thải, Đồng Nai đang rà soát lại toàn bộ các đối tượng phải thực hiện lắp đặt quan trắc tự động nước thải theo công suất hệ thống xử lý nước thải.

Theo quy hoạch, giai đoạn 2021-2030, Đồng Nai sẽ phát triển thêm 8 KCN. Tuy nhiên, quan điểm của Đồng Nai là không thu hút đầu tư bằng mọi giá, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường, ưu tiên những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường và sử dụng ít lao động.
 
Theo Báo Đồng Nai
  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.