Bình Định: Môi trường du lịch biển sẽ bị “bức tử” nếu không xử lý nguồn nước thải từ chế biến hải sản

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/5/2020 | 3:48:23 Chiều

Biển Đề Gi, thuộc xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định) là nơi mưu sinh của người dân nơi đây, cũng là điểm tham quan thú vị của du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, trong thời gian qua, biển Đề Gi đang bị “bức tử” từ nước xả thải của nghề sơ chế mực xà và nuôi tôm trên cát khiến môi trường nước biển ở đây đang bị ô nhiễm trầm trọng.

Người dân sinh sống ven biển Đề Gi đang rất bức xúc, vì phải sống chung cùng mùi hôi thối của hoạt động sản xuất, chế biến mực xà và nước thải nuôi tôm. Và, môi trường du lịch biển đảo cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu tình trạng này không được xử lý dứt điểm.
Môi trường sống, du lịch biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ nghề chế biến mực xà...

"Than trời” từ nguồn nước sơ chế mực...

Theo phản ánh của người dân địa phương, gần khu vực sinh sống ven biển Đề Gi, hiện có khoảng vài chục hộ mưu sinh bằng nghề sản xuất, chế biến mực xà. Từ tháng 2 - 8 âm lịch hằng năm (cao điểm vào tháng 4-5 âm lịch), bình quân mỗi ngày, các hộ dân sản xuất, chế biến từ 2 - 4 tấn mực, số lượng sẽ tăng gấp đôi nếu vào chính vụ. Cũng chính vì thế, mà các hộ gia đình sơ chế mực xà có hàng trăm vĩ phơi mực và khu vực xẻ mực. Từ đó, gây ra mùi hôi thối do ruột, túi mực và nước thải chảy trực tiếp thấm xuống đất rồi tràn rực tiếp xuống biển Đề Gi tạo thành lớp bùn đen đặc. Mỗi năm, "như lịch trình” người dân sống xung quanh phải cam chịu, sống chung với mùi hôi thối này kéo dài trong nhiều tháng liền.

Ông Nguyễn Tiện, một người dân sống tại thôn An Quang Tây than thở: Biết đây là nghề mưu sinh của bà con, nhưng trong một thời gian dài sao chính quyền địa phương chưa quy hoạch tập trung và không có hệ thống xử lý nước thải. Vì thế, hoạt động sản xuất, chế biến xẻ mực cứ kéo dài trong khu dân cư, gây mùi hôi thối cho cả làng nhiều năm liền. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân đã phản ánh tình trạng này lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền để giải quyết. Nhưng đến nay, vẫn chưa có phương án xử lý việc sơ chế mực xà gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân tại đây.

Được biết các cơ sở sản xuất, chế biến mực xà đa phần nằm trong khu dân cư và ven biển đầm Đề Gi. Vì chưa xây dựng bể chứa, nên nước thải xả thẳng ra đầm Đề Gi thông qua các đường ống nhựa được đấu nối sẵn và cứ bốc mùi, phát tán rộng trong môi trường. Không những thế, mực xà sau khi chọn lọc, sơ chế thì được các hộ sản xuất đem phơi ở những khu đất trống nằm trong khu dân cư và cả ven đầm biển Đề Gi. Mùi hôi cứ thế phát tán khắp nơi, gây ô nhiễm trầm trọng. Một số hộ dân cho rằng, họ rất lo ngại là sức khỏe luôn bị đe dọa. Các bệnh hô hấp như viêm mũi, viêm xoang… dần xuất hiện nhiều tại địa phương, đặc biệt là vào mùa hè, khi sản xuất, chế biến mực xà tại biển Đề Gi trở nên rầm rộ.

...đến nuôi tôm trên cát

…cho đến nguồn nước xả thải từ nuôi tôm

Không những môi trường nước biển tại Đề Gi đang ô nhiễm từ nghề sơ chế mực xà, mà trong thời gian qua còn bị "tra tấn” từ việc xả nước thải trực tiếp của một số hộ dân nuôi tôm trên cát tại bãi tắm của khu vực biển này. Các hộ nuôi tôm, đã dùng ống nhựa nối vào hồ nuôi để xả thải trực tiếp, gây ô nhiễm môi trường biển Đề Gi. Một số hộ dân sinh sống gần đó cho biết, những ống nhựa này được lắp đặt bằng phương pháp thủ công đơn giản, lộ thiên rất dễ nhìn thấy, nhưng không hiểu sao nó vẫn được nằm bình yên trên bãi biển mà không bị chính quyền địa phương và cơ quan chức năng xử lý. Hành động này là hủy hoại môi trường biển mà biển là nơi cần phải được bảo vệ, giữ gìn, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát thừa nhận: UBND huyện đã nhận được phản ánh của người dân về việc một số hộ nuôi tôm tự phát ở khu vực bãi tắm Đề Gi. Huyện đã có thông báo, chỉ đạo UBND xã Cát Khánh kiểm tra và có hướng đề xuất xử lý những hộ nuôi tự phát tại khu vực nói trên, từ đó đảm môi trường biển nơi đây.

Bình Định cần sớm xử lý dứt điểm tình trạng này để thu hút du khách, phát triển du lịch biển đảo

Riêng tình trạng xả thải từ nghề chế biến mực xà, ông Kiên giải bày: Việc xử lý ô nhiễm trong hoạt động sản xuất, chế biến mực xà ở khu vực ven biển đầm Đề Gi đang là vấn đề khó khăn. Thời gian qua, sau khi nhận phản ánh của cử tri, UBND huyện đã khẩn trương họp liên ngành và thành lập đoàn khảo sát, đánh giá thực tế tình hình gây ô nhiễm môi trường từ các hộ sản xuất, chế biến mực xà, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục.

"Đây là nghề mưu sinh chính của các hộ dân. Và xã Cát Khánh đang phấn đấu về đích đạt chuẩn nông thôn mới, vì thế tiêu chí môi trường cũng được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với địa phương này. Đây cũng là khu vực thu hút du khách đến tham quan, vì vậy trước mắt, UBND huyện Phù Cát sẽ tiếp tục chỉ đạo địa phương vận động, tuyên truyền các chủ cơ sở chế biến mực xà cần chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động, tổ chức cho người dân ký cam kết không vi phạm. Qua đó, đảm bảo sự hài hòa giữa sản xuất, chế biến mực xà với bảo vệ môi trường… Về lâu dài, huyện sẽ có quy hoạch đưa những hộ sản xuất mực xà vào nơi tập trung, từ đó dễ quản lý sản xuất cũng như đảm bảo cảnh quan môi trường, sinh hoạt của người dân cũng như thu hút du khách”, ông Kiên thổ lộ.

Theo THẾ HỮU/Báo Văn hóa

  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.