Đồng Nai: Đầu tư mạnh cho hệ thống thoát nước

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/5/2020 | 9:46:41 Sáng

Dù chưa xảy ra ngập úng nhiều như TP.Biên Hòa, nhưng các đô thị vùng phía Nam của tỉnh như: Long Thành, Nhơn Trạch cũng không tránh khỏi tình trạng ngập khi có mưa lớn.

Đầu tư hệ thống đường cống thoát nước tại trung tâm hành chính H.Long Thành
Đầu tư hệ thống đường cống thoát nước tại trung tâm hành chính H.Long Thành. Ảnh: H.Lộc
Hiện tại, các địa phương đang tập trung nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các công trình cũ, đồng thời đầu tư xây dựng theo quy hoạch các công trình hạ tầng mới nhằm hạn chế tình trạng ngập lụt, hướng đến đô thị thông minh.

* Chưa theo kịp tốc độ phát triển

Vài năm gần đây, tốc độ đô thị hóa ở các huyện Long Thành, Nhơn Trạch diễn ra nhanh chóng. Nhiều đô thị mới được hình thành và phát triển; các khu, cụm công nghiệp ngày càng nhiều, kéo theo đó là sự gia tăng dân số, nhà ở, giao thông công cộng trong khi nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật có hạn. Điều này dẫn đến tình trạng ngập cục bộ vào mùa mưa, hạ tầng giao thông xuống cấp nhanh, đời sống người dân bị tác động.

Ông Trần Ngọc Khải, Trưởng phòng Quản lý đô thị H.Nhơn Trạch cho rằng, hiện trạng các công trình thoát nước, chống ngập trên địa bàn đô thị Long Thành khá "tệ”. Cụ thể, 100% tuyến đường xây dựng trước năm 2015 không có hệ thống mương, cống thoát nước đi kèm; dự án Nạo vét suối Nước Trong được kỳ vọng giúp giảm tải một lượng lớn nước thải, nước mưa từ các khu công nghiệp, khu dân cư quanh TT.Long Thành được HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư nạo vét từ năm 2015 nhưng đến nay chưa hoàn thành; một số kênh mương nhiều năm chưa được nạo vét, dễ hình thành "điểm đen” ngập úng khi xảy ra mưa lớn.

Theo ông Khải, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ và quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp nhanh đã gây áp lực không nhỏ đến vấn đề thoát nước trên địa bàn huyện.

Tương tự tại H.Nhơn Trạch, nhiều tuyến đường cũng chưa được đầu tư hệ thống thoát nước. Bà Trần Thu Hạnh, Trưởng phòng Quản lý đô thị H.Nhơn Trạch cho biết, các trục đường cũ như: hương lộ 19, hương lộ 319, tỉnh lộ 15A và 25B khi xây dựng chưa có hệ thống cống thoát nước đi kèm, quá trình nâng cấp có hệ thống thoát nước dọc hai bên đường nhưng chưa được đấu nối hệ thống thoát nước ở các tuyến đường khác nên xảy ra ngập cục bộ vào mùa mưa ở các xã như: Phước Thiền, Long Thọ, Phú Hội, TT.Hiệp Phước và ngập ở các khu công nghiệp tập trung.

Một vài nguyên nhân khác dẫn đến hiện trạng ngập cục bộ nhiều vị trí tại H.Nhơn Trạch là hệ thống thoát nước thải và nước mưa chưa được tách riêng; các trạm xử lý nước thải lớn chưa hoàn thiện; hạ tầng thoát nước chưa theo kịp với tốc đô đô thị hóa. Cùng với đó, nhiều công trình thoát nước sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, quá tải, tác động đến sinh hoạt của người dân.

* Hướng đến đô thị thông minh

Thời gian gần đây, các đô thị phía Nam của tỉnh đang đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng, trong đó có xây mới hệ thống thoát nước ở các trục đường hiện hữu, quy hoạch các công trình thoát nước đi kèm với đường giao thông mới; hoàn thiện các hồ chứa nước, tiến hành nạo vét kênh mương nội ô… nhằm hướng đến xây dựng các đô thị thông minh và thành phố mới.

Công trình thoát nước chống ngập suối Nước Trong đoạn qua xã An Phước, H.Long Thành
Công trình thoát nước chống ngập suối Nước Trong đoạn qua xã An Phước, H.Long Thành

Tại H.Long Thành, để hạn chế ngập và đồng bộ hạ tầng đô thị thông minh, năm 2019, huyện chủ động đề xuất nạo vét các suối bao gồm: suối Cây Khế dài 6,75km thuộc địa phận xã Lộc An; suối Phèn dài 5,38km thuộc xã Long Đức, Lộc An và TT.Long Thành; suối Quán Thủ (đoạn từ cầu Quán Thủ, TT.Long Thành đến suối Bến Năng giáp H.Nhơn Trạch).

Cùng với đó, tích cực vận động người dân đồng thuận giao mặt bằng để hoàn thành nạo vét, xây bờ kè dọc bờ suối đảm bảo tiêu nước và chống ngập ở các khu dân cư, khu công nghiệp và vùng sản xuất nông nghiệp. Huyện triển khai đầu tư hệ thống cống thoát nước ở các tuyến đường trung tâm TT.Long Thành, dự kiến trong năm 2020, 3 tuyến đường là: Tôn Đức Thắng, Nguyễn Đình Chiểu và Chu Văn An sẽ hoàn thiện đường cống thoát nước, giảm ngập cho khu vực trung tâm hành chính huyện.

Trưởng phòng Quản lý đô thị H.Long Thành Trần Ngọc Khải cho rằng, 2 năm trở lại đây, hạ tầng, đặc biệt là giao thông, thoát nước, được địa phương ưu tiên đầu tư. Các tuyến đường cũ, các tuyến đường theo quy hoạch sẽ được đầu tư hệ thống cống thoát nước theo tiêu chuẩn đô thị thị xã. "Do tốc độ đô thị hóa nhanh, nguồn vốn cho phát triển của huyện không đủ. Huyện kiến nghị tỉnh cho phép giữ lại một phần nguồn đấu giá đất công để tái đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho đô thị vệ tinh của tỉnh” - ông Khải chia sẻ.

Do được phê duyệt quy hoạch lên thành phố từ nhiều năm trước, H.Nhơn Trạch đến nay đã đầu tư được gần 60km đường cống thoát nước. Các tuyến đường như: Lý Thái Tổ, Trần Văn Trà đang triển khai xây dựng hệ thống cống Thoát nước. Nhiều dự án thoát nước như: rạch Cái Sình, dự án Thoát nước dải cây xanh đoạn từ đường Tôn Đức Thắng đến đường số 1, đường thoát nước từ Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 ra kênh Bà Ký đang được lập hồ sơ triển khai.

"Điểm vướng mắc ở H.Nhơn Trạch là các trạm xử lý nước thải lớn và một số tuyến đường chính chưa hoàn thiện và đấu nối với các tuyến đường hiện hữu. Khoảng 2-3 năm tới, hệ thống thoát nước ở H.Nhơn Trạch sẽ thông suốt từ khu dân cư, khu công nghiệp đến các trạm xử lý rồi theo đường kênh, suối đổ ra sông” - bà Hạnh chia sẻ thêm.
 
Theo HOÀNG LỘC/ Báo Đồng Nai
  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.