Những dòng kênh chết

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/5/2020 | 9:35:42 Sáng

Rác thải, xác động vật chết được vứt thẳng xuống các con kênh, cùng với sự lấn chiếm của con người để làm nhà ở đã giết chết dần các dòng kênh.

Những dòng kênh chết
 
Bức tử những dòng kênh
Rạch xuyên tâm đi qua địa bàn quận Bình Thạnh, Gò Vấp nhiều năm qua đang bị bức tử bởi tình trạng cơi lới nhà cửa lấn chiếm của người dân sống 2 bên bờ. Người dân sinh hoạt trên mặt kênh, vứt rác và xả thẳng chất thải xuống kênh kiến dòng nước đen ngòm, chuột bọ cũng vì thế mà được đà sinh sôi.

Bà Nguyễn Thị Vững, người dân sống cạnh con kênh trên địa phận quận Bình Thạnh cho biết, trước đây dòng kênh này rộng hơn 7 m, nhưng giờ chỉ còn teo tóp hơn 1 m.

Ngoài ra, từ lâu nhân viên vệ sinh đã không thể trục vớt rác ở con kênh này được nữa, do rất khó để vào được con kênh này, vì bị nhà dân lấn chiếm. Nếu có chui xuống những căn nhà lấn chiếm để moi rác tích tụ lâu ngày, thì rất nguy hiểm.

"Nơi đây trở thành một bãi rác nhầy nhụa. Cách đây 1 năm, có tổ trục vớt rác đã suýt bỏ mạng vì kéo rác gây rung lắc nhà dân. Chúng tôi thật sự ám ảnh", bà Vững nói.

Ở quận Bình Tân, con rạch Bà Tiếng nằm trên đường Hồ Học Lãm từng một thời chằng chịt những con rạch nhỏ cắt ngang, nay rạch nhỏ đã "chết", rạch chính thu hẹp đến cả nửa. Mỗi đợt triều cường hoặc mưa lớn, thì trên ứng dụng cảnh báo ngập của đơn vị chống ngập "điểm mặt" ngay vị trí này.

Ngoài những con rạch biến mất, hiện còn rất nhiều con rạch đang dần bị bức tử. Điển hình như rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh) dài 2,4 km, nhưng đã hoàn toàn bị lấn chiếm suốt tuyến. Rạch Bà Láng (quận Bình Thạnh) bị thu hẹp một nửa và nhiều năm UBND quận Bình Thạnh vẫn chưa thể cưỡng chế. Hay rạch Ba Tuy (quận Gò Vấp) bị nhà dân xây trên bờ rạch, rồi rạch Tam Đệ, rạch Cây Me (quận 7) đang bị xóa sổ…

Đặc biệt, tại quận Thủ Đức, đến hôm nay, cuộc chiến giành lại rạch Cầu Dừa của cư dân hẻm 55, đường Cây Keo (phường Tam Phú) vẫn chưa có hồi kết. Theo đó, giữa năm 2017, một công ty bất động sản đã san lấp gần hết con rạch để triển khai khu dân cư mới. Từ đó, cứ triều cường là ngập lênh láng. Cư dân đã nhiều lần khiếu nại và UBND quận Thủ Đức đứng ra tổ chức đối thoại nhưng vẫn chưa ngã ngũ.

Bà Trương Thị Bạch Hồng (ngụ 55B18 Cây Keo) cho biết, khi thấy con rạch bị san lấp, người dân đã phản ánh và lên tiếng. Thế nhưng, công trình lúc ngừng, lúc thi công và hậu quả là con rạch trước rộng 10 m nay chỉ còn 3 - 4 m.

Đúng như bà Hồng nói, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, con rạch Cầu Dừa hiện không còn hình hài xưa, trong đó có đoạn chật hẹp đến mức có thể nhảy từ bờ này sang bờ đối diện.

Hồi sinh rồi lại hấp hối

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong 10 năm qua, toàn TP.HCM có 40 kênh, rạch, hơn 70 cống và gần 50 cửa xả bị lấn chiếm và "khai tử”.

Còn nhớ năm 2018, TP.HCM thông qua kế hoạch đầu tư gần 29.000 tỷ đồng để cải tạo môi trường các tuyến kênh rạch trên địa bàn Thành phố. Thế nhưng, tới nay, các kênh rạch trong danh sách được cải tạo vẫn trong tình trạng ô nhiễm nặng và chưa có dấu hiệu hồi sinh.

Cụ thể, ở con kênh Hy Vọng, quận Tân Bình được quận này thường xuyên nạo vét để tiêu nước cho Sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của phóng viên, sau mỗi lần quận công bố đã cải tạo rác ở dòng kênh này, thì rác lại ngập trắng kênh, thậm chí mùa mưa năm 2019, Sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập sau mỗi trận mưa lớn khiến các chuyến bay phải ngưng đợi nước tiêu. Tới đầu mùa mưa năm 2020, quận Tân Bình lại lên kế hoạch cải tạo tuyến kênh này.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn, người dân sống cạnh tuyến kênh Hy Vọng cho biết, việc cải tạo được quận tổ chức hằng năm, nhưng sau đó rác thải lại ngập đầy tuyến kênh vì người dân quen tay vất rác thải xuống kênh. Chính vì vậy, tuyến kênh này vẫn ngập sau mỗi trận mưa, cộng thêm mùi hôi thối bốc lên khiến người dân quanh tuyến kênh phải sống chung với nước ngập và mùi hôi ở mùa nắng cũng như mùa mưa.

Tại tuyến kênh ngã tư Ga, quận 12, để khắc phục tình trạng người dân lấn chiếm và xả rác xuống kênh, chính quyền địa phương đã phải xây hàng rào sắt, nạo vét thường xuyên và xử phạt nặng người dân vất rác xuống kênh. Thế nhưng, tuyến kênh này năm 2010 lòng kênh rộng 5 m, thì nay còn chưa tới 1 m và cũng coi như đã chết.

Câu chuyện những dòng kênh cứ mất dần được chị Nguyễn Thị Liễu, nhân viên Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP.HCM cho rằng nó đến từ ý thức người dân là chính.

"Họ cho kênh rạch là nơi mà có thể vất bỏ tất cả những thứ rác thải của gia đình mình xuống đó. Hoặc có những hộ dân họ cho đó là nơi có thể lấn chiếm để làm nơi sinh sống, một người làm được thì những người khác cũng làm theo, vậy là các con kênh cứ mất dần và chết dần. Dù Thành phố đã chi rất nhiều tiền và chúng tôi bỏ rất nhiều sức để nạo vét cải tạo, nhưng rồi vừa hồi sinh xong, kênh lại hấp hối”, chị Liễu nói.

Còn bà Vũ Ngọc Hương, Tổng giám đốc Công ty Quản lý vận hành bất động sản Venus Corp cho rằng, muốn hồi sinh được các con kênh chết ở TP.HCM hiện nay cần có những giải pháp đồng bộ, có lộ trình rõ ràng từ các cơ quan chức năng. Đặc biệt là việc tuyên truyền với người dân Thành phố về việc bảo vệ môi trường sống.

"Thực tế, hiện nay, đi trên các tuyến đường tại TP.HCM rất khó kiếm được thùng rác công cộng để người dân vứt rác. Nhiều tuyến đường người dân vứt rác ra ven đường để đợi công nhân vệ sinh thu gom rác tới lấy, nhưng khi gặp cơn mưa bất chợt, thì rác này lại bị nước đẩy xuống cống và chảy thẳng ra các tuyến kênh”, bà Hương nói.

Chính vì vậy, theo bà Hương, phải đồng bộ từ đầu tư cải tạo, từ quản lý nguồn rác thải ở các cống thải đổ vào các tuyến kênh để phân lọc rác ngay từ đầu thì các con kênh mới không gồng mình gánh rác và biến thành dòng kênh chết như hiện nay.
 
Theo Báo Đầu tư Bất động sản
  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.