Giảm nguy cơ úng ngập do công trình xây dựng
- Cập nhật: Thứ năm, 21/5/2020 | 4:22:45 Chiều
Một số dự án chỉnh trang đô thị, thi công xây dựng các công trình xã hội, hạ tầng kỹ thuật... tại khu vực nội đô đã và đang ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước của Hà Nội mỗi khi mưa lớn. Để giảm thiểu nguy cơ úng ngập do các công trình xây dựng trên trong mùa mưa, các đơn vị thoát nước đã chủ động phối hợp với chủ đầu tư có các phương án khắc phục kịp thời, bảo đảm tiêu thoát nước hiệu quả.
Thông tin về các dự án đang thi công gây ảnh hưởng đến công tác thoát nước mùa mưa trên địa bàn nội thành Hà Nội, bà Nguyễn Việt Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước Hà Nội, đơn vị chủ lực phụ trách công tác thoát nước khu vực nội đô) cho hay: Qua kiểm tra hệ thống thoát nước, đơn vị xác định có 37 dự án, công trình đang thi công gây ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước.
Nhiều dự án trong số này thi công trên sông, mương thoát nước chính: Dự án cống hóa mương Hoàng Văn Thụ (Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai), dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai); dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật đầm cụm 1 (ngõ 310 Nghi Tàm, quận Tây Hồ); các dự án xây dựng đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở, nhà ga ngầm S12, S11, S9 và giếng thoát hiểm thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội...
Đảm trách công tác thoát nước địa bàn quận Hoàn Kiếm, một phần quận Ba Đình và Tây Hồ, ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 1 thông tin cụ thể hơn: Dự án cống hóa mương Thụy Khuê (thuộc dự án cải thiện môi trường từ dốc La Pho đến cống Đõ) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ làm chủ đầu tư, mới hoàn thành một số đoạn. Tuy nhiên, lòng cống còn tồn tại các tường xây, nhiều bùn đất chưa được thanh thải... ảnh hưởng đến dòng chảy của mương, gây ngập tại dốc La Pho mỗi khi mưa lớn.
Tại trọng điểm úng ngập ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm), hệ thống thoát nước chảy theo hướng qua phố Trần Hưng Đạo - Yết Kiêu, đổ ra hồ Thiền Quang, Ba Mẫu. Song việc thi công xây dựng ga ngầm S12 (nhà thầu đang thi công tường dẫn, tường vây, đào sâu 34m, kéo dài 100m từ Phan Bội Châu đến ngõ Hàng Cỏ)… ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước khu vực.
"Công nhân thi công dự án cải tạo lát hè, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật tuyến phố Phan Bội Châu gây rơi vãi đất, vật liệu xây dựng ra đường. Khi mưa, nước cuốn trôi xuống cống thoát nước, làm tắc nghẽn dòng chảy”, ông Nguyễn Xuân Hòa thông tin thêm.
Dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai) đã ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước. Ảnh: Đỗ Tâm
Để giảm thiểu mức độ ảnh hưởng của các công trình thi công đến hệ thống thoát nước, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội Phan Hoài Minh cho biết: Công ty đã chủ động rà soát, lập danh sách và có văn bản đề nghị các chủ đầu tư cung cấp thông tin dự án, tiến độ thi công; lập biện pháp dẫn dòng bảo đảm thoát nước, gửi đến công ty để cùng thống nhất, phối hợp triển khai. Công ty cũng yêu cầu các xí nghiệp, đội trực thuộc kiểm soát chặt chẽ các dự án đang thi công trên địa bàn quản lý, bảo đảm tuân thủ biện pháp thi công đã thống nhất, hạn chế ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước.
"Chúng tôi vẫn thường xuyên phối hợp với nhà thầu thi công ga ngầm S12, triển khai nạo vét, hút bùn tại tuyến cống thoát nước, hố ga, bảo đảm dẫn dòng thoát nước trong quá trình thi công. Chủ đầu tư cũng bố trí hành lang (không tập kết vật tư, vật liệu) trong phạm vi dự án tại vị trí ngã ba Phan Bội Châu - Trần Hưng Đạo để đơn vị thoát nước vận hành xe bơm di động CP10, bơm nước từ Phan Bội Châu ra Trần Hưng Đạo, "giải cứu” điểm úng ngập Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt khi mưa lớn”, anh Nguyễn Đức Hùng, Tổ trưởng Tổ Duy trì số 5, Xí nghiệp Thoát nước số 1 chia sẻ.
Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 3 Nguyễn Ngọc Cương thông tin thêm: Xí nghiệp cũng chủ động xây dựng phương án cụ thể, bố trí lực lượng, phương tiện ứng trực đối với từng dự án có liên quan đến điểm ngập úng để tăng tính chủ động, giảm thiểu ngập úng cho khu vực.
Các tin khác
Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.
Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.
Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.